Link Video: https://youtu.be/CRFxf-_BOaY
Ngày 18/4, BBC Tiếng Việt có bài “Tỵ nạn ở Thái Lan, Thái Văn Đường bị “bắt cóc” hay “xâm nhập trái phép” về Việt Nam” của tác giả Bùi Thư.
Bài viết đề cập đến việc Youtuber Thái Văn Đường, có tên khai sinh là Đường Văn Thái, mất tích. Theo đó, từ 17h ngày 13/4, bạn bè của ông Thái đã mất liên lạc với ông, và ngày 14/4, họ đăng tin tức trên mạng xã hội Facebook, nghi ngờ ông “đã bị bắt cóc đưa về Việt Nam“.
Trong khi đó, BBC cho hay, ngày 16/4, Cổng thông tin điện tử Công an Hà Tĩnh thông báo, chiều ngày 14/4, Công an tỉnh Hà Tĩnh “phát hiện một đối tượng không có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam” qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1. Đối tượng khai nhận tên Đường Văn Thái, sinh năm 1982, quê quán thôn Hà Lâm 3, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Và Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết “việc tạm giữ nhằm điều tra theo quy định của pháp luật“.
BBC đã tìm cách liên lạc với Công an Hà Tĩnh nhưng họ nói rằng, họ không có thẩm quyền phát ngôn về vụ ông Đường Văn Thái.
Theo BBC, ông Thái đã sang Thái Lan tị nạn từ năm 2019 và đã được Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn vào tháng 7/2020.
Ông Thái mất tích chỉ một ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam, cho dù trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Lân Thắng, người bị kết án 6 năm vì tội “chống phá nhà nước”.
BBC dẫn lời ông Nguyễn Xuân Kim, một người thân thiết với ông Đường Văn Thái ở Thái Lan, nói rằng, vào ngày 6/4, ông Thái có bày tỏ nỗi lo lắng về an nguy của mình sau khi đăng tải những video về chuyện chính trị đấu đá ở Việt Nam. Đồng thời, BBC cho biết, trong số năm người bạn của ông Đường Văn Thái mà BBC tiếp xúc, ai cũng khẳng định, chưa bao giờ ông Thái chia sẻ về dự định hay nguyện vọng trở về Việt Nam với họ.
Những người bạn của ông Thái cũng cho rằng, việc ông Thái bị “bắt cóc” về Việt Nam là do kênh YouTube của ông đả động đến những vấn đề “thâm cung bí sử” trong nội bộ chính trị Việt Nam.
Theo BBC, báo Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân … có nhiều bài viết từ năm 2021, gọi Đường Văn Thái là “con rối lưu vong chống phá đất nước” và ông bị quy cho có nhiều bài viết, phát ngôn thổi phồng, xuyên tạc chống phá đảng và nhà nước cũng như bôi nhọ quan chức.
BBC cũng dẫn lời bạn bè ông Thái cho biết, ông mới trải qua cuộc phỏng vấn với UNHCR về việc định cư ở nước thứ ba.
Việc một người Việt Nam có cơ chế tị nạn ở Thái Lan bị mất tích, làm cho nhiều người khác cũng lo lắng về an nguy của mình, nhất là khi chính phủ Thái Lan không ký Công ước về người tị nạn. Điều này đồng nghĩa, dù có thẻ của UNHCR, người tị nạn không được ở hợp pháp ở Thái Lan và vẫn có nguy cơ bị cảnh sát di trú Thái Lan bắt giữ vì ở quá hạn.
Bà Thu Phương cũng như những người tị nạn mà BBC tiếp xúc, bày tỏ lo lắng về an nguy của mình sau vụ ông Đường Văn Thái, theo bà, những người tị nạn tại Thái “có thể trở thành mục tiêu bất cứ lúc nào”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rrights Watch) khẳng định với BBC ngày 17/4 rằng, ông Đường Văn Thái sống ở Thái Lan với tư cách là người tị nạn được UNHCR công nhận, bảo vệ đầy đủ quyền và đó là điều “không phải bàn cãi“. Ông Phil Robertson yêu cầu Chính phủ Thái Lan phải ngay lập tức điều tra vụ việc này và cần chấm dứt săn lùng người tị nạn tại Thái Lan.
BBC cho biết thêm, vào tháng 2/2023, Đạo luật Phòng chống và Chấm dứt Tra tấn và Cưỡng bách mất tích ở Thái Lan đi vào hiệu lực. Luật này cấm các quan chức đuổi bỏ, trục xuất và dẫn độ một người sang một quốc gia khác, nơi họ có thể đối mặt với nguy cơ bị tra tấn, đối xử tàn nhẫn, phi nhân đạo hoặc cưỡng bách mất tích.
BBC dẫn phát ngôn của Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 17/4 rằng, họ “vô cùng quan ngại” trước tin từ Việt Nam cho thấy Đường Văn Thái, một YouTuber và là người tỵ nạn được UNHCR cấp cơ chế, sống ở Thái Lan nhưng hiện bị cảnh sát giam giữ ở Việt Nam.
“Những người tị nạn Việt Nam sống ở Thái Lan đã trốn chạy khỏi Việt Nam vì sự đàn áp của Chính phủ phải được bảo vệ và không nên sống trong sợ hãi thường trực.”
Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vietnam Airlines chưa hoàn thành báo cáo tài chính: Nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu
>>> Võ Văn Thưởng có phải người kế nhiệm chức Tổng Bí thư?
Lo ngại khi doanh nghiệp ngoại dần thâu tóm doanh nghiệp Việt