Nền kinh tế Việt Nam đang như một đoàn tàu lao dốc, trong đó, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính là người lái tàu. Vấn đề là làm sao để hãm đà lao dốc của con tàu không lồ này, đây là điều không hề đơn giản chút nào. Sự mục nát tồn tại ở khắp nơi, không biết đâu mà tháo gỡ cho xuể.
Trong năm 2022, tình trạng ì ạch của bộ máy nhà nước đã được nhiều người từ bên trong báo cho Thoibao.de biết. Tuy nhiên, vẫn không thấy tờ báo chính thống nào mạnh mẽ chỉ ra tử huyệt này. Nguyên nhân được cho là thói hay ém những cái xấu của Đảng Cộng sản mà ra. Khi bệnh mới phát, thay vì nhìn nhận đúng bệnh, chính quyền Cộng sản Việt Nam không cho báo chí chỉ ra vấn đề, vì sợ làm xấu bộ mặt nhà nước, làm xấu bộ mặt của Đảng. Đến hết quý I/2023, tình trạng này mới được đề cập trên báo chí chính thống, thì đã là quá muộn. Bệnh đã trở nặng thì ông Phạm Minh Chính mới ra chính sách khắc phục.
Năm 2022, vụ án Việt Á bùng phát. Vụ án này được xem là vụ án lớn nhất, sau vụ án Việt Á là vụ chuyến bay giải cứu. Đầu năm 2022, vụ Việt Á gây ra một cảnh náo loạn, bắt bớ từ Trung ương đến địa phương. Chỉ cần một vụ Việt Á thôi cũng làm cho ngành y tế tê liệt, quan chức không dám làm việc vì sợ sai, dẫn đến cảnh bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Từ ngành y, căn bệnh ù lì đã lan sang các ngành khác. Suốt năm 2022, không khí trong các cơ quan nhà nước đã rất nặng nề, ai ai cũng lo sợ bị bắt, lo sợ làm sai, khi làm thì ngó trước ngó sau.
Đến giữa năm 2022, vụ chuyến bay giải cứu khiến tình trạng hoảng sợ lại càng tăng lên. Gần như không khí nặng nề trong cơ quan nhà nước không có thuốc giải. Càng về sau, tình trạng lo sợ càng tăng, và đến hết quý I/2023 thì không thể che đậy được nữa.
Tất nhiên ông Phạm Minh Chính cũng nhận ra điều này và đang có biện pháp cứng với những quan chức ù lì, sợ sai, hoặc làm đối phó, tránh làm nhiều sai nhiều. Dù ông Thủ tướng có rắn với tình trạng này, thì theo đánh giá của người trong cuộc, vẫn rất khó để cải thiện tình hình. Thêm nữa, mới đây, cơ quan tố tụng đã đề nghị đến 18 án ở khung hình phạt có tử hình, trên tổng số 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Án nặng như thế thì ai còn dám liều mạng mà làm việc? Thà không làm thì còn chịu tội nhẹ, còn làm mà sai thì gánh tội cho cả sếp.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang đứng đầu Đảng, đang là người có khả năng xem xét năng lực của ông Thủ tướng trước Đảng. Ông Trọng cho đánh mạnh vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu, mạnh đến mức có khả năng có án tử cho nhiều người, thì rõ ràng, ông đã đặt một cái “đe” trước mặt ông Thủ tướng. Ngoài ra, trong tay ông Tổng còn giữ một cây búa, đấy là quyền quyết định kỷ luật một ai đó về mặt Đảng. Đánh án làm tê liệt bộ máy nhà nước, rồi dùng kỷ luật Đảng để kỷ luật ông Thủ tướng, vì không hoàn thành trách nhiệm Đảng giao. Như vậy, ông Trọng vẫn đang làm chủ cuộc chơi trước ông Phạm Minh Chính.
Việc của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ là chống đỡ. Tay chống đe, tay đỡ búa, cố gắng để sự nghiệp chính trị của ông không phải đứt gánh giữa đường như ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Có “đồ chơi” trong tay, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ngày một gia tăng áp lực lên ông Phạm Minh Chính. Vụ chuyến bay giải cứu chỉ mới kết thúc giai đoạn một, còn giai đoạn hai nữa. Mới kết thúc giai đoạn một mà bộ máy nhà nước đã tê liệt, thì không biết đến giai đoạn hai sẽ ra sao.
Mà không chỉ vụ chuyến bay giải cứu, hiện nay còn có vụ đăng kiểm nữa. Vụ này được Bộ Công an thông báo là vụ Việt Á thứ hai. Ngoài vụ đăng kiểm lại còn vụ AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn dính đến nhiều chính quyền cấp tỉnh. Đặc biệt là vụ AIC tại Quảng Ninh, xảy ra vào thời ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy.
Với những thứ “đồ chơi” khủng như thế, ông Nguyễn Phú Trọng nắm trong tay thế chủ động, đánh thật mạnh và bộ máy nhà nước sẽ tê liệt hơn nữa. Vậy thì ông Thủ tướng gỡ làm sao được?
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)