Trong Tứ Trụ, muốn mình là mạnh nhất thì không phải nắm kinh tế, mà là nắm thanh kiếm. Thanh kiếm chính là Quân đội và Công an. Năm 2011, khi ông Nguyễn Phú Trọng mới nắm chức Tổng Bí thư, lúc đó, ông Trần Đại Quang là Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Quang không chịu làm công cụ cho ông Nguyễn Phú Trọng, nên lúc đó, ông Trọng không mạnh như bây giờ. Đến năm 2016, ông Trần Đại Quang bị điều ra khỏi Bộ Công an và thay bằng ông Tô Lâm. Từ khi Tô Lâm làm Bộ trưởng, ông Tô chấp nhận làm công cụ cho ông Tổng Bí thư, nên từ đó, ông Trọng mạnh lên trông thấy.
Năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là ông Lê Hồng Anh. Ông này là người trưởng thành từ Kiên Giang, khi về Trung ương, Lê Hồng Anh hết lòng hỗ trợ Nguyễn Tấn Dũng. Nhờ đó, sức mạnh chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng đã có phần lấn lướt trước ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng khi đó.
Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng mất đi thanh kiếm trong tay, vì ông Lê Hồng Anh không còn làm Bộ trưởng Bộ Công nữa. Do đó mà ông Nguyễn Phú Trọng mới có cơ hội lấn lướt ông Nguyễn Tấn Dũng ở cuối nhiệm kỳ đầu.
Ngày nay, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang nắm chắc Bộ Công an. Thế và lực của ông Trọng vì thế mà vững mạnh nhất trong tứ trụ. Ông Phạm Minh Chính tuy là Thủ tướng điều hành cả nền kinh tế, nhưng không giành được Bộ Công an nên vẫn yếu thế hơn ông Tổng Bí thư rất rõ.
Dù nắm cả nền kinh tế, nhưng trong tay cần phải nắm một trong 2 thanh kiếm mới “thét ra lửa”, còn không thì Phạm Minh Chính vẫn bị ông Tổng Bí thư chèn ép. Nếu nói chế độ này có 2 thanh kiếm thì ông Nguyễn Phú Trọng nắm một thanh rưỡi, còn ông Phạm Minh Chính nắm một nửa thanh kiếm thôi. Đó là quân đội.
Thực tế, ông Phạm Minh Chính giờ đây chỉ biết bám vào quân đội. Ông Nguyễn Phú Trọng thì nắm bên Tổng Cục chính trị, còn ông Phạm Minh Chính thì nắm bên Tổng Cục 2 Bộ Quốc phòng, và có phần chiếm ưu thế trong Bộ Tổng tham mưu.
Chiều ngày 4/5, ông Nguyễn Phú Trọng cho Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương (nhiệm kỳ 2020 – 2025) tổ chức Kỳ họp thứ 14. Ông Lương Cường, Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, chủ trì phiên họp.
Tại kỳ họp này, ông Lương Cường đã thi hành kỷ luật quân đội đối với 11 quân nhân. Trong đó, tước danh hiệu quân nhân đối với 7 người; khai trừ khỏi Đảng và giáng cấp bậc quân hàm từ Thượng tá xuống Trung tá đối với 1 người; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 và cách chức chức vụ chỉ huy sư đoàn đối với 3 người. Đây được cho là là đòn đánh mạnh tay của ông Tổng nhắm vào cánh Phạm Minh Chính trong Bộ Quốc phòng.
Phía ông Phạm Minh Chính cũng không chịu buông. Mới đây, ông Chính đã ký các quyết định bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Quốc phòng. Trong đó, ông Phạm Minh Chính ký Quyết định 473, kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) đến hết tuổi phục vụ tại ngũ theo quy định, đối với Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương.
Ký Quyết định 474, kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng) đến hết tuổi phục vụ tại ngũ theo quy định, đối với Thiếu tướng Lê Anh Tuấn.
Ký Quyết định 475, kéo dài thời gian giữ chức vụ Chính ủy Học viện Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đến hết tuổi phục vụ tại ngũ theo quy định, đối với Thượng tướng Lương Đình Hồng.
Ký Quyết định 476, bổ nhiệm lại chức vụ Chính ủy Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng) đối với Trung tướng Trần Võ Dũng.
Và cuối cùng là ký Quyết định 477, bổ nhiệm lại chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) đối với Trung tướng Trần Duy Giang.
Có ý kiến cho rằng, với 5 quyết định này, giúp cho những người mà ông Phạm Minh Chính cài cắm an tâm làm việc. Và đó là cách mà ông Phạm Minh Chính đối phó lại phe Nguyễn Phú Trọng, phe đang muốn triệt phe của ông Chính trong Bộ Quốc phòng.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: