Link Video: https://youtu.be/0k8bIvlh320
Ngày 31/7, RFI Tiếng Việt có bài “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương: Việt Nam và ASEAN chọn lợi ích nhưng không chọn phe”, phỏng vấn Giám đốc Nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp, về những chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương
Ông Benoît de Tréglodé cho rằng, hiện giờ, “Ấn Độ – Thái Bình Dương” là một khái niệm rất thịnh hành, do sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như sự trỗi dậy của Ấn Độ ở châu Á, cùng những hệ quả có thể xảy ra đối với châu Âu, với Pháp, và nhất là sự hiện diện của Mỹ ở trong vùng và ở Ấn Độ Dương.
Do đó, phải suy nghĩ lại một cách tổng thể mối quan hệ của các nước phương Tây với châu Á. Bao gồm vấn đề địa – chính trị, gộp cả về ngoại giao, kinh tế, chính trị và địa lý.
Ông Benoît de Tréglodé phân tích, trước tiên, cần nhắc lại việc hình dung ra không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương này nằm trong chủ trương mới về tương quan lực lượng của quốc gia đang thực sự tìm cách cải thiện tình hình của mình, thậm chí là chiếm ưu thế nào đó. Cho nên, cần có những nhà nghiên cứu Pháp và nước ngoài suy nghĩ về khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhìn từ Nhật Bản, châu Âu hay từ Đông Nam Á, bởi vì mỗi quốc gia, mỗi một vùng nhỏ có cách nhìn khác nhau về khái niệm bao quát này.
Thực thể địa lý này không tồn tại, mà đây là một thực thể chính trị được hình thành, hình dung và phát triển qua lập luận chính trị của các Nhà nước liên quan.
Ông Benoît de Tréglodé cho biết, ý tưởng gộp cả hai vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thành một thực thể địa lý xuất hiện khoảng những năm 2000 – 2010, là điều hoàn toàn mới, là hệ quả trực tiếp từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, nước hiện trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn đối với tất cả các nước phương Tây.
Ông Benoît de Tréglodé cho hay, các nước Đông Nam Á vẫn nhắc lại khá thường xuyên rằng, họ không muốn cảm thấy bị bắt làm con tin, bởi sự phân định mới về không gian quốc tế này, một biện pháp mà có thể khiến họ nghĩ tới những lập luận và kí ức thời Chiến tranh lạnh. Điều này đã được Singapore và các nước Đông Nam Á kiên quyết nhắc lại tại Đối thoại Shangri-La gần đây ở Singapore vào đầu tháng 6. Đối với đa số các nước trong vùng, không có chuyện phải chọn một phe Ấn Độ – Thái Bình Dương, kể cả bên thân Mỹ, để có thể “hạn chế hoặc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng”.
Benoît de Tréglodé nhận xét, quan hệ quốc tế mọi thời đại đều được nuôi dưỡng từ những cuộc đối đầu và ngoại giao, gây ảnh hưởng của nước này chống lại nước kia. Điều này không hoàn toàn mới. Khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương, chủ yếu do Mỹ, Nhật Bản và phần nào là Liên hiệp châu Âu hoặc Ấn Độ sử dụng để thuyết phục các nước trong vùng hợp tác nhiều hơn với họ, và để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn về sự trỗi dậy của Trung Quốc ở trong vùng.
10 nước Đông Nam Á đã khám phá ra “logic cân bằng” trong khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương, theo đó, họ triển khai một chính sách ngoại giao cân bằng, để vừa tiếp tục hợp tác giữa nước này với nước khác, mà không lợi dụng phe này chống phe kia.
Ông Benoît de Tréglodé lấy ví dụ Việt Nam, cho thấy, Hà Nội tranh thủ ý định xích lại gần hơn của Mỹ, nhưng sẽ không đi quá xa. Họ biết rất rõ rằng, họ không có lợi khi làm phật lòng nước láng giềng Trung Quốc, khi cố tăng cường một cách lộ liễu quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ.
Các nước trong khu vực và các nhà lãnh đạo có chiến thuật khác nhau, có lựa chọn khác nhau. Họ biết là, tương lai chính trị của họ nằm trong khả năng duy trì sự ổn định xã hội ở trong nước. Và sự ổn định này lại được nuôi dưỡng bằng tăng trưởng kinh tế. Hiện sự tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á trước hết là từ Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng nhờ Mỹ. Do đó, về mặt chiến lược, việc chọn phe có lẽ sẽ vô cùng mạo hiểm cho các quốc gia trong vùng. Tuy nhiên, việc lựa chọn cân bằng, từ chối để bị lôi vào đối đầu giữa các bên, nhất là trong các chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương cuối cùng chính lại giúp củng cố chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Hoàng Anh
>>> Câu chuyện kiểm duyệt nghệ thuật tại Việt Nam.
>>> Tin tặc theo dõi, tống tiền dính tới nhà nước Việt Nam
>>> ‘Chuyến bay giải cứu’: những câu hỏi chưa thể trả lời.
>>> Vatican đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, có phải Satan đã lùi bước?
Khái niệm “tiền công đức” là gì?