Chuyện “bảo hiến” và án oan sai

Link Video: https://youtu.be/t5kKuyes7mo

Ngày 6/8, trên trang Facebook cá nhân của Nguyễn Quốc Tấn Trung có bài “Vài góp ý về câu chuyện “bảo hiến” trong vụ Nguyễn Văn Chưởng”. Nguyễn Quốc Tấn Trung được biết đến là một nghiên cứu sinh ngành luật tại Canada, người có nhiều bài viết có giá trị, phân tích các vấn đề của xã hội Việt Nam dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế trên trang Luật Khoa Tạp chí, đồng thời là admin của kênh YouTube Hội đồng Cừu nổi tiếng trên mạng xã hội.

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, với nội dung như sau:

Kính gửi các anh chị trên Facebook mà Trung theo dõi,

Trung rất vui mừng khi thấy nhiều anh chị đã và đang tiếp tục theo dõi sát sao vụ Nguyễn Văn Chưởng và đưa ra nhiều giải pháp để có thể tìm cách hoãn vụ việc và điều tra xét xử lại.

Dù hoàn toàn đồng tình với nỗ lực của các anh chị, trong một số gợi ý, Trung có thấy một vài gợi ý cho rằng, Quốc hội Việt Nam có thể dựa vào thẩm quyền “bảo hiến” của mình, để tuyên “vô hiệu” bản án đã có hiệu lực, nhưng có dấu hiệu sai phạm về mặt thủ tục.

Trung nghĩ, có một vài hiểu lầm cần chỉ ra để chúng ta không có những kỳ vọng sai, liên quan đến khái niệm và thủ tục bảo hiến nói chung.

***

Bảo hiến nhìn chung là thủ tục để một cơ quan hiến định xem xét lại tính hợp hiến của một văn bản quy phạm pháp luật.

Ở Hoa Kỳ, bảo hiến nổi tiếng thuộc thẩm quyền của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, với mô hình bảo hiến phi tập trung. Hiểu đơn giản là, ngay cả các cá nhân, tổ chức dân sự cũng hoàn toàn có quyền thách thức tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật trước tòa có thẩm quyền.

Ở Châu Âu, chúng ta cũng có mô hình bảo hiến tập trung.

Riêng ở Việt Nam, chúng ta có mô hình bảo hiến… “tổng lực”, ghi nhận rải rác trong nhiều văn bản như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Tuy nhiên, dù là mô hình nào đi chăng nữa, trên khắp thế giới, hoạt động bảo hiến hoàn toàn KHÔNG thể can thiệp vào đối tượng là bản án của cơ quan tư pháp. Điều này, cơ bản vì một bản án có tính chất đơn lẻ, có tính áp dụng cá nhân, không phải là luật áp dụng trên toàn quốc gia, để có thể xâm phạm đến trật tự hiến pháp.

Sai phạm bên trong nội tại của vụ án có thể được xem xét bởi các bước như phúc thẩm, giám đốc thẩm… Còn vấn đề bảo hiến chưa bao giờ có thể bao quát nội dung của một bản án.

Việc cho rằng, cơ quan lập pháp có thể can thiệp vào kết quả xét xử của cơ quan tư pháp, cũng là một bước đi không phù hợp với nhu cầu xây dựng cấu trúc minh bạch quyền lực trong các cơ quan bộ máy nhà nước.

Một vài lời phản biện ngắn, chúng ta có thể trao đổi thêm, nhưng cũng đừng nên tạo ra những kỳ vọng pháp lý không thật và không được công nhận, dù là ở bất kỳ hệ thống pháp luật nào.

Hình: Bài trên Facebook của Nguyễn Quốc Tấn Trung

***

Bài viết của Nguyễn Quốc Tấn Trung liên quan đến thông tin tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị thi hành án.

Theo đó, ngày 4/8, gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng nhận được thông báo từ Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng về việc làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình. Thông báo này không nói rõ ngày thi hành án, cũng như việc Nguyễn Văn Chưởng đã bị xử tử hay chưa. Tuy nhiên, theo Luật Thi hành án Hình sự, ngày thi hành án sẽ do một hội đồng thi hành án quyết định, sau khi có quyết định thi hành án của tòa án.

Sự việc này đã dấy lên một làn sóng phản đối trên mạng xã hội, cả trong và ngoài nước. Rất nhiều người đã gửi tin nhắn cho Chủ tịch nước và các đại biểu Quốc hội, yêu cầu dừng thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng. Đồng thời, rất nhiều tiếng nói yêu cầu ân xá và minh oan cho các tử tù bị oan sai, như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Mạnh.

Xuân Hưng

>>> Có cần sát nhập quận Hoàn Kiếm?

>>> Bộ Công an Việt Nam bắt Nguyễn Cao Trí rồi ém tin.

>>> Công luận nói gì về vụ án Nguyễn Văn Chưởng ?

>>> Hành trình “khủng khiếp” trên chuyến bay giải cứu.

Làm thế nào để các nạn nhân vụ “giải cứu” đòi công lý?