Link Video: https://youtu.be/rrpOIlvfNLE
Ngày 7/8, trên trang Facebook cá nhân Chau Doan của nhà báo Đoàn Bảo Châu có bài “Tại sao tôi tin Nguyễn Văn Chưởng vô tội?”
Tác giả nêu quan điểm, giống 3 người tù Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Văn Chưởng bị tra tấn dã man, bị ép cung.
Là con người, bất kì ai rơi vào hoàn cảnh ấy, cũng phải nhận tội để thoát khỏi cảnh thân xác bị đau đớn quá sức chịu đựng.
Chính vì vậy, Công ước Chống tra tấn được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984, đã lên án tra tấn như là một trong những hành vi vô nhân đạo và đê hèn nhất mà con người phạm phải với đồng loại.
Tất cả những lời khai nhận tội sau khi bị tra tấn, nhục hình là không có giá trị.
Hơn nữa, theo tác giả, Chưởng có bằng chứng ngoại phạm, và Đoàn, người làm chứng cho Chưởng cũng bị tra tấn, bắt buộc phải thay đổi lời khai, lại bị khép vào tội che dấu tội phạm.
Việc cố tình vi phạm pháp luật, dùng nhục hình với người tù đã thành một “truyền thống” với các điều tra viên ở Việt Nam.
Tác giả cho rằng, ông hoàn toàn có quyền tin, các điều tra viên và nhiều kẻ khác đã cố tình đổ tội cho những người vô tội, với mục đích xấu. Nhất là khi đạo đức cán bộ vào thời kỳ vô cùng “ngạo nghễ”, như công luận đã được chứng kiến.
Nếu có luật nhân quả thì những kẻ thủ ác sẽ phải đền tội. Chúng mang hình hài con người, nhưng mang tâm hồn ác quỷ, chúng làm điều ác với đồng loại để hưởng lợi.
Trong trường hợp này, khi cái ác và việc vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên, thì người dân như chúng ta bị rơi vào một hoàn cảnh bất lực, chẳng thể làm gì ngoài việc lên tiếng phản đối, và ước gì luật nhân quả được thực thi.
Tác giả biết, đấy là một sự yếu đuối, nhưng có thể làm gì hơn?
Tác giả nhận xét, Chưởng là một con người có tài, khéo tay, biết làm thơ.
Tác giả tin Chưởng vô tội, và nếu như Chưởng bị giết, thì điều ấy cũng đồng nghĩa với việc công lý ở Việt Nam cũng bị giết.
Và lúc đó, lũ dân đen chúng ta thực sự là một lũ cừu bất lực. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị bắt, bị đánh tới thân tàn ma dại và trở thành kẻ có tội. Suy cho cùng, quan tâm tới Chưởng, đấu tranh cho công lý chính là đấu tranh cho chính chúng ta.
Cùng quan tâm tới tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ngày 8/8, trên Facebook cá nhân của nhà báo Lưu Trọng Văn có bài “Lương tâm không cho phép im lặng”.
Lưu Trọng Văn, con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lư, người có những vần thơ nổi tiếng về “Con nai vàng ngơ ngác…”, đã bật khóc khi nhìn 3 con nai mà Chưởng đan từ những mảnh nilon, với 3 chữ cái ở ngực, ghép lại thành chữ OAN.
Tác giả nhìn tấm hình cha, mẹ của Chưởng, đeo bảng viết tay kêu oan cho con trai, và chua xót nhận xét, hai khuôn mặt nhà nông chất phác, phờ phạc, ánh mắt sao buồn đến vậy, sao uất ức đến vậy?
Cha của Chưởng, một cựu chiến binh vào sống ra chết trên chiến trường, 17 năm dằng dặc kêu cứu muôn cửa, muôn phương để giải oan cho con, để cứu con thoát án chết.
Tác giả giật mình vì kẻ gây nên án oan này là Dương Tự Trọng, từng bị Bộ Công an tước quân tịch và truy tố vì tội che giấu tội phạm và tổ chức cho tội phạm chạy trốn.
Tác giả còn giật mình vì dưới chữ ký của người lính già là đôi vân tay máu. Ông đau xót thốt lên: Máu đổ ở chiến trường vì Tự do, Độc lập của Tổ quốc chưa đủ ư, người lính già ơi?
Tác giả kêu gọi: Giết chết một công dân mà bản án còn nhiều uẩn khúc, Đất nước được cái gì và có thể mất mát cái gì?
Với quyền hạn của mình, Chủ tịch Võ Văn Thưởng, nên ra lệnh tạm dừng thi hành án, để Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và Uỷ ban Dân nguyện của Quốc hội theo thẩm quyền của mình, giám sát lại cuộc điều tra xét xử theo Tinh thần Thượng tôn Pháp luật: Trọng chứng hơn trọng cung; và Tinh thần: Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn giết oan một Con người.
Bởi vì, ĐÂY LÀ VẤN ĐỀ LƯƠNG TÂM, KHÔNG CHO PHÉP BẤT CỨ AI IM LẶNG!
Hoàng Anh – thoibao.de
>>> Chuyện “bảo hiến” và án oan sai
>>> Công luận nói gì về vụ án Nguyễn Văn Chưởng ?