Link VIdeo: https://youtu.be/sisaXou9_SI
Ngày 8/8, báo Đất Việt đăng bài “Bình luận về thông báo “lạnh người” của tòa Hải Phòng” của nhà văn Tạ Duy Anh.
Theo đó, trong số các tác phẩm lừng danh của Kafka, nhà văn bị ám ảnh nhất là tiểu thuyết “Vụ án”.
Franz Kafka (1883 -1924) là một nhà văn người Tiệp khắc, gốc Do Thái, viết tiếng Đức, đồng thời còn là người mở đường của văn học phi lý của phương Tây đầu thế kỷ XX.
Nhà văn Tạ Duy Anh dẫn đoạn kết trong “Vụ án” theo bản dịch của Phùng Văn Tửu:
“…Còn có chuyện kháng án chăng? Còn có những lập luận bác bỏ mà người ta chưa nêu ra chăng? Nhất định thế. Cái logic dù không lay chuyển được thế nào đi nữa, nó cũng không cưỡng lại được một con người đương muốn sống. Viên quan tòa anh chưa gặp bao giờ ở đâu? Tòa án tối cao anh chưa đến bao giờ ở đâu? Anh giơ hai bàn tay và căng các ngón ra.
Nhưng một trong hai đứa vừa túm lấy cổ họng anh; đứa kia thọc dao vào tim anh và ngoáy ngoáy hai lần. Đôi mắt đã lờ đờ, nhưng K. vẫn còn nhìn thấy hai đứa chụm đầu vào nhau cúi xuống sát mặt anh để quan sát cảnh chót.
– Như một con chó! – Anh nói, như để gửi lại nỗi nhục nhã ở đời”.
Nhưng, nhà văn nhận xét, nếu Kafka đang sống và chứng kiến những gì vẫn ngày ngày diễn ra xung quanh chúng ta, ông sẽ thấy, cái kết ấy thua xa cái kết mà ông chỉ việc copy rồi dán vào, như dưới đây (Thay vào đoạn hai gã đàn ông phối hợp chọc dao vào cổ K.):
“…Tòa án Nhân dân thành phố… thông báo cho thân nhân người bị kết án K., biết:
Thân nhân người bị kết án K. có quyền làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình, gửi Chánh án Tòa án Nhân dân… để được xem xét giải quyết. Đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình về mai táng, an táng phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận tử thi và phải có xác nhận của Ủy ban Nhân dân nơi cư trú; quan hệ với người bị thi hành án; cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Thời hạn gửi đơn xin nhận tử thi, tro cốt người đã bị thi hành án tử hình đến Tòa án Nhân dân… chậm nhất là ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo này”.
Nhà văn cho rằng, cái kết của Kafka gây cảm giác rùng rợn, trong khi, cái kết sau thì tạo ra sự ghê rợn, ghê sợ, cùng nỗi ám ảnh vĩnh viễn về sự tan rã tuyệt đối của văn hóa và lương tâm, để hoàn tất quá trình “hóa thú”.
Cũng bình luận về thông báo này của Tòa án Hải Phòng, Facebook Nguyễn Hoàng Ánh ngày 5/8 viết:
Các bạn thấy thế nào chứ đọc cái công văn tàn nhẫn, vô tình này, mình lạnh cả người. Không biết những công văn kiểu này có mẫu không, nhưng làm người sao có thể dẫm đạp lên nỗi đau của người khác như thế!
Facebooker Nguyễn Hoàng Ánh diễn nôm công văn của họ như sau:
“Chúng tôi được quyền giết con ông bà và sắp làm điều đó. Nếu ông bà muốn nhận tro cốt của con thì phải xin phép nơi cư trú, phải làm đơn xin chúng tôi, còn phải trả công cho chúng tôi nữa và nhớ làm nhanh lên. Đặc biệt phải giữ trật tự, đừng làm phiền chúng tôi bằng mấy trò khóc lóc của ông bà”!
Facebooker bình luận, còn gì có thể tàn nhẫn hơn việc giết con người ta, còn đòi người ta trả tiền và cấm người ta than khóc??? Họ không nói nếu gia đình không thực hiện được thì sao, ví dụ không nhận được thư, đau ốm không đi làm thủ tục được, hay đơn giản là không thể viết được cái đơn xé lòng đó? Liệu chút di thể của con người tội nghiệp đó có được chăm sóc tử tế, hay sẽ bị hắt hủi, cô đơn trong chuyến đi cuối cùng trên dương thế? Như thế thì sự nhân ái giữa người với người trong “nghĩa tử là nghĩa tận” cũng sẽ không còn nữa, cái xã hội này sẽ dựa vào đâu để tồn tại, hay chỉ còn là nơi “người với người là chó sói”?
Xuân Hưng – thoibao.de
>>> Chuyện “bảo hiến” và án oan sai
>>> Công luận nói gì về vụ án Nguyễn Văn Chưởng ?