Báo chí ngày 18/8 cho biết, Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận 2,25 triệu USD trong vụ Việt Á. Đây là con số rất lớn, nhưng không có gì là ngạc nhiên. Bởi quan chức cấp bộ trưởng, đã “cắn”, thì sẽ “cắn” mỗi miếng triệu đô. Với vai trò là Bộ Trưởng Bộ y tế, ông Nguyễn Thanh Long nhận tiền để tạo điều kiện cho Công ty Việt Á đăng ký lưu hành bộ kit xét nghiệm, dù không đủ điều kiện.
Lần đầu tiên, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt đưa hối lộ cho Thư ký của ông Long là vào khoảng tháng 12/2020. Được biết, Phan Quốc Việt gọi điện qua ứng dụng Whatsapp cho Thư ký trưởng Nguyễn Huỳnh, và được Thư ký này hẹn đến gặp tại nhà riêng ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Sau đó, Việt xách theo một túi vải màu xanh có in logo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (bên trong có 200.000 USD đã chuẩn bị trước) đến đợi ở trước cửa nhà Huỳnh.
Cơ quan điều tra cho biết, tổng số tiền mà Phan Quốc Việt đã chi để hối lộ cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, lên đến 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng). Trong đó, Việt đưa cho Nguyễn Huỳnh 2,2 triệu USD để chuyển cho ông Nguyễn Thanh Long, và trực tiếp Việt đưa cho cựu Bộ trưởng 50.000 USD.
Hầu hết các quan chức đều không nhận tiền trực tiếp, đâu có ai dại mà làm thế. Họ nhận qua thư ký hoặc một người quen nào đó, được ủy thác nhận tiền. Trong trường hợp ông Nguyễn Thanh Long, có một lần nhận trực tiếp, đấy là điều rất bất cẩn. Bài của các quan chức xưa nay đều thế, ai mà chẳng biết. Vấn đề là, công an có điều tra đến nơi đến chốn hay không mà thôi.
Vụ chuyến bay giải cứu vừa qua, dư luận cũng đặt nghi ngờ về trường hợp Phạm Trung Kiên, Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ, với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng. Điều đáng nói là, Phạm Trung Kiên không có thẩm quyền ký quyết định cho thực hiện các chuyến bay giải cứu. Chỉ nhìn bề ngoài là đã biết, Phạm Trung Kiên nhận tiền cho ai. Tuy nhiên, Đỗ Xuân Tuyên lại thoát tội và không hề bị truy tố.
Sự khác biệt giữa trường hợp của Nguyễn Thanh Long và Đỗ Xuân Tuyên, là do bàn tay của cơ quan điều tra mà thôi. Bộ Công an làm án một cách tùy tiện. Với cùng một tội danh, cùng cách thức phạm tội giống nhau, nhưng người thì dính đòn, kẻ thì thoát án.
Hồi năm 2013, so sánh với quốc tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lúc đó, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh. Có lẽ, Công an Việt Nam giỏi nhất thế giới thật, vì chỉ có Công an Việt Nam mới giỏi làm án khống, giỏi bỏ lọt tội phạm, giỏi bức cung nhục hình… để rồi cho ra đời những bản án oan sai như vụ Hồ Duy Hải, vụ Nguyễn Văn Chưởng vv…
Trong trường hợp Phạm Trung Kiên, có lẽ nên “khen” nhóm lợi ích Hưng Yên thì đúng hơn. Một thư ký không có quyền ký quyết định, nhưng nhận hối lộ với số tiền khổng lồ, rồi sau đó thao túng sếp ký duyệt. Vậy mà cả Bộ Công an không nhận ra được điểm nghi vấn này, vẫn để cho ông Thứ trưởng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Vụ án Việt Á rồi cũng sẽ đưa ra xét xử. Đây cũng lại là một vụ mà kẻ xử án cướp tiền của kẻ bị xử án, thông qua hình thức chạy án. Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ một lượng tiền quá lớn, ắt cũng đang chuẩn bị tiền để mua cho ông được giảm án. Ông Long ăn nhiều rồi, giờ kẻ khác sẽ ăn lại phần của ông.
Kể ra cũng chua chát cho Nguyễn Thanh Long, ông và cấp phó của ông – Đỗ Xuân Tuyên – cùng làm việc trong cùng một cơ quan, cùng kiếm ăn như nhau và có cùng cách thức nhận tiền giống nhau, vậy mà giờ này, ông ở trong tù, còn cấp phó của ông vẫn là Thứ trưởng “đáng kính”. Có lẽ, Nguyễn Thanh Long nên tự trách rằng, mình được sinh ra không phải là đồng hương của ông Bộ trưởng Bộ Công an.
Thu Phương – (Tổng hợp)
Link tham khảo: