Trợ lý của ông Đam – có phải cũng là một “Lê Lai cứu chúa”?

Link Youtube:https://youtu.be/msZyhdKl-gk

 

Ngày 20/8, báo Người Việt có bài “Vũ Đức Đam mất chức vì trợ lý nhận 200.000 USD từ ông chủ Việt Á”.

Theo bài báo, sau hơn bảy tháng, kể từ thời điểm ông Vũ Đức Đam mất ghế Phó Thủ tướng, các báo ở Việt Nam đưa tin ám chỉ rằng, nguyên nhân ông Đam mất ghế là vì một Trợ lý của ông này đã nhận 200,000 USD trong vụ Việt Á.

Báo Người Việt dẫn tờ Thanh Niên hôm 20/8 cho biết, ông Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ, bị truy tố tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Báo Người Việt nhận xét, bản tin trên tờ Thanh Niên ghi “Phó Thủ tướng”, nhưng tránh nhắc tên ông Vũ Đức Đam, sếp của ông Trịnh.

Báo Người Việt nhắc lại việc ông Vũ Đức Đam, cùng với ông Phạm Bình Minh, là hai phó thủ tướng đột ngột bị “miễn nhiệm” (cách gọi khác của cách chức), hồi tháng Giêng mà không rõ nguyên do.

Truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ đưa tin rằng, hai ông Phạm Bình Minh và Lê Minh Chuẩn đã có đơn xin thôi các chức vụ theo “nguyện vọng cá nhân”.

Ngày 5/1, Quốc hội Việt Nam đã họp và biểu quyết thông qua việc cho hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh thôi làm đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng thông qua nghị quyết miễn nhiệm hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Tuy nhiên, dư luận vẫn râm ran rằng, ông Vũ Đức Đam bị bãi chức do có liên quan đến vụ Việt Á, còn ông Phạm Bình Minh thì do có dính líu đến vụ chuyến bay giải cứu.

Người Việt dẫn bản kết luận điều tra vụ Việt Á của Bộ Công an Việt Nam, theo đó, ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, là người hai lần đưa tận tay tổng cộng 200,000 USD cho ông Nguyễn Văn Trịnh.

Lần đầu vào hôm 16/8/2020, ông Việt yêu cầu thuộc cấp chuẩn bị một túi vải màu xanh đựng khoảng 5 – 10 hộp sâm. Sau đó, ông Việt bỏ thêm vào túi 100,000 USD, rồi ghé vào một quán cà phê trên phố Vạn Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, và gọi điện cho ông Trịnh.

Ông Trịnh đi bộ đến và hai người ngồi nói chuyện khoảng nửa giờ về công tác phòng chống dịch COVID-19. Sau đó, ông Việt đưa túi đựng sâm cùng đô la cho ông Trịnh và nói: “Em mới nhận được một ít thanh toán, em tranh thủ ghé thăm cảm ơn anh”.

Hình : Ông Vũ Đức Đam – cựu Phó Thủ tướng – sếp của ông Nguyễn Văn Trịnh

Khi ông Việt hé mở túi để ông Trịnh nhìn thấy có hộp sâm và tiền, ông Trịnh giả lả nói: “Anh cảm ơn, sao nhiều thế?” Sau đó, ông Trịnh cầm túi và đi bộ về.

Lần thứ nhì vào hôm 2/3/2021, ông Trịnh hẹn gặp ông Việt để cập nhật tình hình Công ty Việt Á phối hợp với tỉnh Hải Dương, mở đợt xét nghiệm COVID-19 đại trà.

Hai ông này tiếp tục gặp nhau tại quán cà phê trên phố Vạn Phúc. Sau đó, ông Việt đưa túi “quà Tết” có 100,000 USD và ông Trịnh đáp: “Cảm ơn tụi em”, rồi cầm về.

Báo Thanh Niên không cho biết, liệu ông Nguyễn Văn Trịnh có “chia lại” khoản tiền nêu trên cho ông Vũ Đức Đam hay không.

Báo Người Việt nhận xét, trường hợp của Vũ Đức Đam khiến công luận liên tưởng đến vụ ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y Tế Việt Nam, có Thư ký là ông Phạm Trung Kiên là “quán quân” nhận hối lộ vụ “chuyến bay giải cứu,” với 42.6 tỷ đồng (tương đương 1.8 triệu USD).

Ông Phạm Trung Kiên bị kết án chung thân sau nộp “khắc phục hậu quả” gần hết số tiền nêu trên, trong lúc ông Đỗ Xuân Tuyên hiện vẫn tại vị ghế Thứ trưởng Bộ Y tế, như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trong thời gian diễn ra phiên tòa xét xử vụ Việt Á, Viện Kiểm sát từng kiến nghị cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bởi ông Tuyên là người ký công văn chấp thuận với Bộ Ngoại giao để duyệt cấp phép các chuyến bay.

Tuy nhiên, sau đó không thấy phiên tòa đề cập đến vai trò của ông Tuyên. Có dư luận cho rằng, ông Tuyên “trắng án” là nhờ có những người đồng hương quyền cao chức trọng tại Bộ Công an. Vì vậy, ông Tuyên không những không bị khởi tố, mà còn đường hoàng tại nhiệm.

 

Ý Nhi – thoibao.de

>>> Có bao nhiêu công an là tội phạm?

>>> Trung Quốc dụ dỗ Việt Nam cùng duy trì lý tưởng Cộng sản

>>> Bong bóng VFS vỡ chỉ sau một ngày

>>> Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?

Cú ngã lớn của VinFast