Link Youtube: https://youtu.be/MfoN8ItnK-M
Ngày 22/8, một đài truyền thông quốc tế tiếng Việt loan tin, “Đăng bài trên Facebook “nói xấu” lãnh đạo Đảng, một người bị án tù theo Điều 331”.
Theo đó, một Facebooker ở TPHCM vừa bị Tòa án Nhân dân TPHCM, phiên phúc thẩm hôm 22/8, tuyên y án một năm sáu tháng tù, vì đăng ba bài trên Facebook “nói xấu” lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Bản tin dẫn truyền thông Nhà nước vào cùng ngày cho biết, Facebooker Vũ Ngọc Sửu (sinh năm 1973), bị cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Báo Nhà nước trích dẫn cáo trạng cho biết, từ ngày 19/5/2019 đến ngày 29/1/2021, Vũ Ngọc Sửu đã đăng tải trên Facebook cá nhân có tên “Vũ Ngọc“, ba bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam; xúc phạm, nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Truyền thông trong nước trích dẫn lời giải thích của Facebooker này trước tòa rằng, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, và giải thích rằng, do bản thân thấy bức xúc với các vấn đề xã hội, nên đã đăng tải những bài viết mà không kiểm chứng. Bị cáo phạm tội do bộc phát cá nhân, chứ không bị ai xúi giục hay hứa hẹn gì.
Bản tin dẫn Luật sư bào chữa cho biết, bị cáo bị căng thẳng tâm lý vì lý do gia đình, và có tiền sử bệnh tâm thần, nên đề nghị cho hưởng án treo. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát không đồng tình với đề nghị này, vì cho rằng, bị cáo hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, không có dấu hiệu bệnh tâm thần.
Tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án và giữ nguyên mức án đã tuyên tại tòa sơ thẩm.
Bản tin cho biết thêm, Điều 331 Bộ luật Hình sự của Việt Nam bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là mù mờ, và thường được dùng để bịt miệng những tiếng nói bất đồng ôn hòa.
Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 15 người với cáo buộc vi phạm Điều 331, kể từ đầu năm đến nay, theo thống kê của đài truyền thông nói trên.
Một số vụ có thể kể đến, như vụ bắt giữ ông Lê Thạch Giang, 66 tuổi, ngụ phường Kinh Dinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, vào ngày 28/6. Ông Giang bị cáo buộc về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8/2022, ông Giang tạo tài khoản trên mạng xã hội, lấy tên “Bọn cường quyền“, để livestream và đăng tải các bài viết có liên quan đến việc cưỡng chế, thu hồi đất, của các cơ quan chức năng. Ông Giang kêu gọi người dân xem các trang mạng “lề trái”, đồng thời chia sẻ những thông tin từ các trang này, mà nhà cầm quyền quy chụp là “nói xấu Đảng”.
Trước đó, ngày 6/6, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt thầy giáo Đặng Đăng Phước, 60 tuổi, ngụ tại thành phố Buôn Mê Thuột, 8 năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, “tội” của thầy Phước là đã “đăng tải, chia sẻ hơn 200 bài viết có nội dung công kích lãnh đạo cấp cao và chính quyền, xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội trong nước”.
Thầy Phước còn tụ tập hát “những nhạc phẩm có nội dung kích động, phá hoại về tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.”
Được biết, Việt Nam đã ký Công ước về quyền dân sự và chính trị vào năm 1982, đến này đã 41 năm. Theo Công ước này, người dân có các quyền thành lập và tham gia các hội nhóm dân sự và chính trị, có quyền tự do ngôn luận, và tất nhiên, có quyền chỉ trích chính quyền, chỉ trích lãnh đạo, nếu họ không đồng tình với các chủ trương, chính sách của nhà nước.
Như vậy, việc bắt giữ một ai đó chỉ vì họ nói lên quan điểm của họ, là điều hoàn toàn đi ngược lại các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, và là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Thu Phương – thoibao.de
>>> Có bao nhiêu công an là tội phạm?
>>> Trung Quốc dụ dỗ Việt Nam cùng duy trì lý tưởng Cộng sản
>>> Bong bóng VFS vỡ chỉ sau một ngày
>>> Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?
Cú ngã lớn của VinFast