Tham nhũng, vùng cấm và “trùm cuối” trong vụ Việt Á

Link Youtube: https://youtu.be/x-dkIYVfZfY

 

Ngày 23/8, trên trang cá nhân của nhà báo Nguyễn Tiến Tường có bài “Tham nhũng và vùng cấm”.

 

Tác giả đặt vấn đề: Ai là “trùm cuối” trong các đại án giải cứu và Việt Á? Đó là câu hỏi mà người dân luôn day dứt trong những vụ án có thể xem nhơ nhuốc nhất lịch sử.

 

Hình: Status trên trang cá nhân của nhà báo Nguyễn Tiến Tường

 

Tác giả nhận xét, tham nhũng trên vạn vạn sinh linh và triệu triệu sinh mệnh đồng bào, là điều không phải ai cũng dám làm, nhưng chỉ một số ít dám xé bỏ nhân tính, họ chính là tội phạm. Nhân dân không tin rằng, những người đứng trước vành móng ngựa hôm nay có đủ quyền lực để khuynh loát những chính sách vĩ mô như vậy.

Một vài viên thư ký nhỏ nhoi, vài nhân viên chấp sự, thậm chí Bộ trưởng Long và Bộ trưởng Anh chỉ là tép riu trong thể chế, để có thể phạm tội tày đình. Trong niềm tin của nhân dân, họ chỉ là cấp thừa hành và nhận ơn mưa móc.

Tác giả nêu câu hỏi: Vậy, ai là ai?

Và tác giả bình luận, một số lãnh đạo chóp bu bất ngờ rời ghế trong đại dịch, vì những “sai phạm nghiêm trọng”, mà nhân dân không bao giờ được biết. Công dân một quốc gia pháp quyền phải đoán già đoán non, xâu chuỗi sự kiện và “mong ước” công lý, thay vì nhìn thấy nó diễn ra như nhân quả ngẫu nhiên.

Đó là một sự bất bình đẳng nghiêm trọng. Bất bình đẳng với nhân dân. Bất bình đẳng với những người đối mặt với án tử hình. Bất bình đẳng với cả những lãnh đạo cấp cao công chính của chính thể.

Tác giả nhấn mạnh, sai phạm của lãnh đạo phải được minh bạch, dù có liên quan đến đại án hay không. Vì nó là yêu cầu của quốc gia pháp trị.

Và nữa là, không thể nào chống tham nhũng tuyệt đối, khi mà ai đó được quyền hy sinh “số phận chính trị”, để cứu chuộc “số phận hình sự”.

Tác giả cho rằng, nhân dân rất hoan nghênh công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo chính thể. Và họ mong mỏi công cụ luật pháp được sử dụng một cách công minh và không thỏa hiệp.

Nếu người dân vẫn anh ách về “vùng cấm”, công cuộc ấy chưa thể nói là thành công!

 

Cùng chủ đề, ngày 21/8, blog Gió Bấc bình luận “Kết luận điều tra đại án Việt Á: Biến khủng long thành chuột nhắt”.

Gió Bấc bình luận, cơ quan điều tra là những thiên tài, có thể biến lương dân như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng thành tử tội giết người. Ngược lại, họ cũng có thể biến hóa những quan chức phạm tội trời không dung, đất không tha, thành những thường phạm ngây thơ, bị tác động, bị lợi dụng. Đặc biệt là, trong hầu hết các vụ án này, người dân, người bị xâm hại về tài sản, sức khỏe, thậm chí sinh mạng, đã bị loại bỏ ra ngoài hồ sơ.

Theo Gió Bấc, đại án Việt Á là kế hoạch liên hoàn, bài bản, để tiêu thụ test kit Việt Á. Kẻ tung người hứng, bức hại hàng triệu người dân phải xét nghiệm, cách ly, phong tỏa. Hàng vạn F0, F1 chết cô độc, oan ức, trong các trại tập trung, khu cách ly. Điều tra chỉ xem xét đến việc nâng khống giá test kit. Hành vi, hậu quả tội phạm như con khủng long, kết luận điều tra rút gọn lại thành con chuột nhắt.

Gió Bấc nhận xét, đặc điểm của Covid 19 là gây tử vong chủ yếu ở người già, người có bệnh nền. Những người chết trẻ trong các bệnh viện dã chiến đúng là nạn nhân, là hệ quả của chủ trương ngoáy mũi đại trà, truy tìm, cách ly F0. Các chiến dịch tàn nhẫn này chính là cách tiêu thụ nhiều nhất, nhanh nhất các test kit. Ai là người đứng đầu quyền lực nhất thúc đẩy chiến dịch ấy?

Gió Bấc nêu quan điểm, nếu chỉ xem xét vụ án ở khía cạnh thổi giá, đưa nhận hối lộ, cố ý làm trái, mà bỏ qua cái chết thương tâm của hàng ngàn người trẻ, nỗi khổ cùng cực của hàng chục triệu người dân trong đại dịch, thì cơ quan điều tra chỉ xem xét cái chân của con khủng long đường dây tội phạm Việt Á.

Gió Bấc kết luận: Chính phạm, ông trùm của vụ án và nhiều đồng phạm khác vẫn đang yên vị, tiếp tục gieo tội ác với dân.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

>>Mẹ Hồ Duy Hải mong con được về nhà

>>>Thượng tầng lo ăn chia, kinh tế lao dốc. Dân khốn đốn, quan đầy túi

>>>VinFast sử dụng Black Spade Spac để niêm yết tại Mỹ, khi không tìm được người mua cổ phiếu

>>>Đạp luật: Luật bảo nhận 2 triệu xộ khám, Tô bảo 1,1 tỷ vẫn chưa!