Nhờ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam, mà hãng bay Vietnam Airlines đã có cơ hội ký một văn bản thỏa thuận ghi nhớ, trị giá 10 tỷ USD, để mua 50 tàu bay của hãng Boeing. Bất chấp những năm qua, Vietnam Airlines làm ăn thua lỗ triền miên, tiếp viên thì vận chuyển ma túy ở Việt Nam và cả nước ngoài, thậm chí phi công cũng chơi ma túy.
Trước đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Việt Nam năm 2019, ông Trịnh Văn Quyết, ông chủ của hãng Bamboo Airway, cũng đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ). Tuy nhiên, sau đó ông Quyết bị ngồi tù, còn Bamboo Airways thì phải vật lộn để tồn tại mà không xong, nói gì đến việc mua máy bay mở rộng hoạt động?
Hãng bay Vietnam Airlines là hãng bay nhà nước, tuy dưới danh nghĩa là Công ty Cổ phần, nhưng nhà nước chiếm đến 86% cổ phần. Vietnam Airlines cũng như EVN, đều là công ty không thể phá sản. Cho nên, với việc ký bản ghi nhớ, thì có khả năng cao là sẽ tiến đến ký hợp đồng chính thức. Nếu là doanh nghiệp tư nhân, để nhân viên buôn ma túy khắp nơi, để phi công chơi ma túy và buôn lậu, thì công ty đó đã phá sản từ lâu, chứ không thể tồn tại đến hôm nay.
Vietnam Airlines là hãng hàng không độc quyền chuyên chở quan chức Việt Nam đi công du nước ngoài. Vì thế, khi cần đến nhu cầu vận tải hàng khách do chính sách nhà nước ban ra, thì Vietnam Airlines là hãng bay hưởng lợi nhiều nhất. Được biết, vụ chuyến bay giải cứu là chính sách trục lợi do quan chức cấp Trung ương đề ra, để hút máu du học sinh và người lao động ở nước ngoài, thì Vietnam Airlines cũng giành gần như toàn bộ miếng bánh vận tải hành khách này. Những hãng khác cũng có tham gia nhưng không đáng kể, kẻ đóng vai trò chính vẫn là Vietnam Airlines.
Vụ chuyến bay giải cứu đã quật ngã rất nhiều quan chức Trung ương, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, nhưng không lôi được bất kỳ một quan chức nào của hãng bay quốc doanh này ra trước pháp luật. Điều này khiến cho nhiều người đặt câu hỏi rằng, ai đỡ đầu cho Vietnam Airlines, mà từ quan chức cho đến nhân viên của họ vẫn bình an vô sự? Phải là nhân vật quyền lực rất lớn, lớn đến mức không ai dám động đến, thì Vietnam Airlines mới nhởn nhơ như thế.
Hồi tháng 10/2021, Vietnam Airlines bị réo tên là doanh nghiệp có nợ quá hạn hơn 14.800 tỷ đồng. Sau đó một năm, hãng bay này lại bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu HVN, khiến cho nhiều nhà đầu tư chứng khoán lo lắng. Tuy nhiên, làm gì có ai dám hủy niêm yết một doanh nghiệp con cưng của Đảng như Vietnam Airlines? Và thực tế, hãng bay này vẫn không bị hủy niêm yết, dù nợ như chúa chổm. Lúc đó, cổ phiếu của Vietnam Airlines đang nằm trong diện kiểm soát, vì vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, đồng thời, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2 năm gần nhất cũng là số âm.
Nếu nói, khi EVN thua lỗ, thì nhà nước ban cho chính sách để doanh nghiệp này chọc vòi vào túi toàn dân hút máu bù lỗ, thì Vietnam Airlines cũng được nhà nước ưu ái. Với tình hình kinh doanh bết bát, đội ngũ quản lý tồi, nhân viên thì lộng hành buôn bán hàng cấm, nhưng hãng bay này vẫn được Đảng làm lơ mọi sai phạm. Hãng bay này vẫn được người đứng đầu của Đảng dẫn dắt cho ký bản ghi nhớ khổng lồ với hãng Boeing.
Mô hình doanh nghiệp nhà nước là mô hình dung dưỡng cho thói làm ăn chây ỳ, ỷ lại. Vì giành miếng bánh kinh tế với toàn dân, mà Đảng Cộng sản đã thiết lập ra sân chơi quá bất công như vậy. Sự đỡ đầu cho các doanh nghiệp nhà nước, nói cho cùng cũng là moi tiền từ túi dân mà thôi.
Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhà nước là cửa để tuồn tiền vào túi quan chức. Bề ngoài là làm ăn kiếm tiền cho ngân sách, nhưng thực tế, doanh nghiệp quốc doanh chẳng đóng góp được cho ngân sách bao nhiêu. Ngược lại, họ hút máu ngân sách thông qua những dự án, những hợp đồng thua lỗ. Đồng tiền được phù phép theo cách này hay cách khác để chảy vào túi quan, và từ đó, doanh nghiệp quốc doanh được bảo vệ, được duy trì, dù cho nó có làm ăn thua lỗ triền miên.
Ý Nhi – Thoibai.de