Qua việc gạt Võ văn Thưởng ra khỏi vai trò tiếp quốc khách trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, một lần nữa cho thấy, ông Tổng Bí thư đã đứng trên pháp luật. Chỉ là không công bố công khai thôi, chứ quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay không khác gì một ông vua.
Khi ông Trọng nắm chức Tổng Bí thư cách đây 12 năm, ghế Tổng Bí thư không có quyền lực lớn như ngày nay. Trước thời ông Nông Đức Mạnh, ghế Tổng Bí thư là chiếc ghế quyền lực nhất. Tuy nhiên, qua 1 nhiệm kỳ làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã lấn lướt vị trí Tổng Bí thư.
Việc giành lại quyền lực cho chiếc ghế Tổng Bí thư là cả một quá trình. Phải mất đến 5 năm, tức tròn một nhiệm kỳ, thì ông Nguyễn Phú Trọng mới lấy lại được quyền lực tuyệt đối cho vị trí này. Có lẽ, từ nay trở đi, chiếc ghế Tổng Bí thư vẫn sẽ là chiếc ghế quyền lực nhất trong tứ trụ. Nắm được ghế này, thì sức mạnh hiển nhiên là vô đối.
Sức mạnh chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng thực sự có được, là vào khoảng cuối năm 2015. Giai đoạn này, ông Trọng vận động trong và ngoài nước cho quyền lực của mình.
Từ chỗ là người lép vế đầu nhiệm kỳ, đến cuối nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông Trọng đã tự vẽ ra cho mình một trường hợp “đặc biệt”, dành cho người ngoài tuổi 65 được ngồi lại tứ trụ. Điều buồn cười là, ngay tại Đại hội 12 năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng trẻ tuổi hơn ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng ông Dũng phải về hưu vì quá tuổi, còn ông Trọng thì được “tín nhiệm” ngồi lại. Đấy là hình thức đạp lên cả Đảng luật. Luật là tao, tao là luật. Ông Trọng biết làm luật chỉ để áp dụng cho riêng ông mà thôi. Thế mới đỉnh.
Hiện nay, ông Trọng đã đi được 3 nhiệm kỳ Tổng Bí thư, cũng bằng với tuổi của Bác Hồ của ông khi về chầu Lê Nin và Các Mác. Với tình trạng sức khỏe rất yếu, tiếp khách quốc tế phải có vệ sĩ kè kè phía sau, sẵn sàng đỡ cho ông, thì đấy là tín hiệu cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ phải rời ghế vào nhiệm kỳ tới. Không loại trừ khả năng ông sẽ bị “tạch” trước khi Đại hội 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
Trong 12 năm làm Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã thâu tóm quyền lực về cho bản thân mình. Có người nói vui rằng, sau 12 năm ky cóp được rất nhiều quyền lực, nhưng ông Trọng đang đặt mớ quyền lực to lớn đấy lên đôi chân “cà lết”. Với đôi chân này, ông khó có thể lết đến hết nhiệm kỳ 3 của ông.
Trong chính trị, mà đặc biệt là thượng tầng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đồng minh có thể trở thành kẻ thù ngay tức khắc. Hầu hết, những người đang cố lấy lòng ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay, hoặc là muốn dựa dẫm, tận dụng lợi ích từ ông, hoặc là nhòm ngó chiếc ghế của ông.
Với tư cách đối thủ, ông Thủ tướng muốn ghế Tổng Bí thư, thì điều đấy cũng dễ hiểu. Nhưng với tư cách là đệ tử của ông Tổng như Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng, nếu nói không tham chức Tổng Bí thư, thì khó mà tin được. Đã lên đến tứ trụ, ai cũng có tham vọng chiếm ghế cao nhất.
Thực lực của ông Võ Văn Thưởng rõ ràng yếu hơn, ông Thưởng khó mà cạnh tranh được với Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ. Cho nên, có thể nói, cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư cho nhiệm kỳ tới là cuộc đua song mã, chứ không phải là tam mã.
Nếu “đấu tay đôi” thì ông Vương Đình Huệ khó mà thắng ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Huệ lại là người được ông Nguyễn Phú Trọng đỡ đầu, nên cơ hội lại được cho là cao hơn. Trong 2 nhân vật, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính, nếu ai chiếm được ghế Tổng Bí thư, thì người đó sẽ làm chủ cuộc chơi. Bởi ghế Tổng Bí thư hiện nay đã được ông Nguyễn Phú Trọng gom góp quyền lực, chất vào đấy quá nhiều. Dù không có khả năng thực chiến tốt, nhưng nếu ông Vương Đình Huệ nắm được chiếc ghế Tổng Bí thư, thì sẽ vượt trội hơn đối thủ rất nhiều. Cho nên, hứa hẹn, cuộc chiến giành ghế Tổng Bí thư những năm tới, sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.
Ý Nhi – Thoibao.de