Một sự kiện đau lòng xảy ra lúc nửa đêm 12/9, một chung cư mini chín tầng ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, bị cháy, làm chết tới 56 cư dân.
Ngay sau đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu tạm dừng tổ chức toàn bộ các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, do thành phố, các đơn vị thuộc thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, tổ chức từ ngày 14/9 đến hết ngày 17/9. Và vào lúc 08h00 ngày 18/9, tất cả các cơ quan, đơn vị trong thành phố sẽ đồng loạt dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân. Đây là một động thái được đánh giá là đáng ghi nhận, từ lãnh đạo thủ đô Hà Nội.
Tương tự, trong Hội nghị của Chính phủ, làm việc với doanh nghiệp nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Chính phủ cũng dành một phút mặc niệm cho những nạn nhân xấu số. Phút mặc niệm này để tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại Hà Nội và do lũ quét tại Lào Cai.
Và hầu hết các cơ quan ban ngành, từ Trung ương tới địa phương, cũng đều tổ chức phút tưởng niệm các nạn nhân trong vụ cháy vừa qua.
Vậy mà, giữa lúc người dân cả nước hướng về Hà Nội, với niềm xót đau vô tận, khi vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân cướp đi sinh mạng của 56 người, và làm hàng chục người khác bị thương, thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại tổ chức buổi lễ trao giải báo chí toàn quốc, rềnh rang và hoành tráng, bất chấp hoàn cảnh.
Điều đó đã khiến cho dư luận bức xúc và bất bình, coi đó là một sự kiện thiếu văn hóa, không phù hợp với hoàn cảnh chung. Trong khi ngoài đường phố, trong các nhà tang lễ trên khắp địa bàn thủ đô, nhiều gia đình nạn nhân vụ hỏa hoạn chung cư mini vẫn gào khóc, xót thương cho người thân. Thì ở Nhà hát lớn Hà Nội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng các đại biểu tham dự Lễ trao giải báo chí toàn quốc, với sự hiện diện (theo liệt kê của báo Văn Hóa), bao gồm:
Các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng;
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa;
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng;
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng;
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh v.v…
Ngoài ra, còn có đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, Trung ương và địa phương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, và đặc biệt là các tác giả đoạt giải, cùng hàng trăm khách mời.
Dư luận thắc mắc, không rõ, Ban tổ chức lễ trao giải có “quên” dành một phút mặc niệm những đồng bào thủ đô xấu số, thiệt mạng trong trận hỏa hoạn đêm 12/9 hay không? Mà những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông cho thấy, quan khách và người tham dự buổi lễ vui vẻ trên mức bình thường. Trong không gian có cả những màn múa phụ họa của các vũ công.
Phản cảm nhất, đó là hình ảnh Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sóng đôi cùng ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, với nụ cười mãn nguyện, và có lẽ, hai quan chức này chẳng mảy may nghĩ đến những nạn nhân vừa chết cháy.
Trong khi, trên mạng xã hội Facebook, không ai bảo ai, dân cư mạng đã đồng loạt thay hình đại diện bằng các ruy băng để chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân trong thảm họa. Phòng trà Trịnh Ca, một quán cà phê ca nhạc nổi tiếng, cũng có một thông báo chia buồn đến gia đình các nạn nhân, và quyết định dừng chương trình để tưởng niệm.
Đáng tiếc, tại sao các lãnh đạo cao cấp Việt Nam không hề mảy may có điều tối thiểu đó trong tư duy, nhất là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm Bộ trưởng mới được hơn 2 năm, đã tạo được 2 dấu ấn vô văn hóa để đời, gây cười trong dư luận xã hội.
Dấu ấn thứ nhất là việc ông Hùng chiếm hết thảm đỏ trong lúc đón Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, đến thăm chính thức Việt Nam. Dấu ấn thứ hai là dự án “chấn hưng, phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035” với kinh phí dự toán hơn 350.000 tỷ đồng… để tìm cách đục khoét, chia chác
Dư luận xã hội thấy rằng, việc gì phải chấn hưng văn hóa, sao không dẹp quách đi cái lũ lãnh đạo vô văn hóa, bất tài này, để nền văn hóa nước nhà trở lại và trường tồn phát triển?./.
Trà My – Thoibao.de