Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ là kết quả của hai quá trình

Link Youtube: https://youtu.be/NoJOoG-HgKc

 

Ngày 18/9, VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Điều gì khiến Việt Nam phá tiền lệ đưa Mỹ lên làm đối tác ngang hàng với Trung Quốc”.

 

VOA dẫn lời Giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii nhận định:

“Việc nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt lên “đối tác chiến lược toàn diện” sẽ mang lại cho Hà Nội một đối trọng tốt hơn trước Trung Quốc, một vị thế cân bằng hơn giữa các cường quốc, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nga”.

“Một cách trực tiếp, việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã khiến Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn,” ông Vuving nói và đưa ra ví dụ về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở lưu vực Nam Côn Sơn trên Biển Đông và Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia, mà ông gọi là “những giọt nước làm tràn ly” dẫn đến quyết định của Việt Nam.

Việc Campuchia cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại nước này cũng được cho là khiến Việt Nam lo ngại.

VOA dẫn nhận định của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, cho rằng, Trung Quốc có thể lập gọng kìm “xâm lược” Việt Nam, khi đặt căn cứ quân sự ở Campuchia.

Tuy nhiên, động cơ để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên tầm cao nhất, theo ông Vuving, “không chỉ là sự hung hăng của Trung Quốc mà còn là công nghệ, vốn, thị trường và chuỗi cung ứng của Mỹ”, VOA cho hay.

“Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo Hà Nội nhảy cóc lên “đối tác chiến lược toàn diện” (với Mỹ),” ông Vuving nhận định.

Tại Hà Nội, các thương vụ kinh doanh quan trọng trị giá nhiều tỷ USD – trong đó có thỏa thuận trị giá 7,5 tỷ USD của Boeing với Vietnam Airlines và kế hoạch xây nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD của Amkor tại Bắc Ninh – được công bố sau khi ông Biden và ông Trọng tuyên bố nâng tầm quan hệ Mỹ – Việt. Hơn thế nữa, với hợp tác chiến lược toàn diện, Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam trong các ngành công nghệ quan trọng và mới nổi, đặc biệt là xung quanh việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trong lúc Hoa Kỳ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip ra khỏi Trung Quốc.

Giáo sư Vuving cho rằng, việc nâng quan hệ Mỹ – Việt lên hàng đầu trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Việt Nam, ngang hàng với Trung Quốc và Nga, là kết quả của sự kết hợp của hai quá trình.

“Đầu tiên, Mỹ mang quà rất lớn đến Việt Nam mà không kèm theo điều kiện ràng buộc nào – bao gồm việc Washington tặng vô điều kiện một lượng rất lớn vaccine chống COVID (trong khi tài trợ của Trung Quốc có điều kiện và chưa bằng một nửa số viện trợ của Mỹ),” Giáo sư Vuving nói, và cho rằng, sự thuyết phục của Mỹ còn bao gồm đề nghị Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng công nghệ cao của Hoa Kỳ “tại các quốc gia bằng hữu”.

 

Lễ đón tiếp Tổng thống Biden ngày 10/9 tại Hà Nội

 

VOA nhắc lại, trong thời gian đại dịch, Chính phủ Mỹ tặng Việt Nam khoảng 40 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna, nhiều hơn bất kỳ khoản quyên góp của bất cứ nước nào, gồm cả Trung Quốc, cho Việt Nam. Chính phủ Hà Nội gọi sự trợ giúp này là “vô cùng quý giá” cho nhân dân Việt Nam giữa đại dịch.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, khi đến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 7, nói rằng Việt Nam là “đối tác chủ chốt” của Mỹ trong việc chuyển chuỗi cung ứng sang các nước bằng hữu của Hoa Kỳ để tránh rủi ro từ Trung Quốc.

Quá trình thứ hai, theo Giáo sư Vuving, Việt Nam đã phải “xoa dịu Trung Quốc và gửi những tín hiệu tới Nga rằng, Hà Nội sẽ vẫn là bạn thân của Moscow”.

Giáo sư Vuving cho rằng, Việt Nam đã “lùi một bước để tiến hai bước” trong quan hệ với Mỹ, và gọi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới được Mỹ và Việt thiết lập là một “kiệt tác của nghệ thuật quyền lực mềm”.

VOA dẫn phân tích của The Economist Intelligence Unit (EIU), cho rằng, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng giúp Việt Nam tránh được rủi ro trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.

“Mối quan hệ địa chính trị chặt chẽ hơn sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra các hành động trừng phạt thương mại, trong bối cảnh Mỹ giám sát chặt chẽ về tỷ lệ gian lận trung chuyển, với xu hướng hàng hóa Trung Quốc thường được tái xuất dưới dạng hàng xuất khẩu của Việt Nam.”

Mỹ đã mở các cuộc điều tra vào các sản phẩm nhập từ Việt Nam, bao gồm pin mặt trời và các sản phẩm gỗ nội thất, vì bị nghi được sản xuất với các chất liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Việc nâng cấp quan hệ, theo nhóm phân tích của EIU, cũng sẽ giúp giảm nguy cơ Việt Nam bị Mỹ coi là nước thao túng tiền tệ trong giai đoạn dự báo 2023 – 2027.

Theo Giáo sư Vuving, ngoài “sự thúc đẩy lớn cho cả nền kinh tế Việt Nam” nhờ vào những thương vụ kinh doanh từ các công ty Mỹ, sự nâng cấp quan hệ với Mỹ còn tăng cường “tính hợp pháp của Đảng Cộng sản”.

VOA cũng dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TPHCM rằng, màn tiếp xúc của ông Biden ở Hà Nội “đem đến cho Đảng Cộng sản tính chính danh”.

 

Thu Phương – thoibao.de