Dư luận hết sức bất ngờ khi biết tin, tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9, sau hơn 18 năm kêu oan, trong một vụ án có nhiều tình tiết, và rất nhiều các bằng chứng không rõ ràng, mà theo các luật sư khẳng định là không đủ để kết tội.
Trong ngày 23/9, một ngày sau khi Việt Nam thi hành án tử hình với Lê Văn Mạnh, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á của Tổ chức theo dõi Nhân quyền, trong tuyên bố về việc xử tử Lê Văn Mạnh, đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam cần ngay lập tức giảm bớt tất cả các án tử hình, để ngăn chặn những vụ xét xử sai lầm, và tiến tới bãi bỏ án tử hình ngay lập tức.
Ông Phil Robertson nói: “Việt Nam cố gắng che giấu sự thật rằng, họ là một trong những quốc gia sử dụng án tử hình nhiều nhất ở châu Á và trên thế giới, nhưng vụ hành quyết Lê Văn Mạnh là một ví dụ nổi bật về mọi điều sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam.”
Trong giới quan sát, có người đã đặt câu hỏi, vì sao Tòa án tỉnh Thanh Hóa lại ra lệnh xử tử Lê Văn Mạnh vào thời điểm này? Đây là thời điểm đúng một tuần sau quyết định xử tử một tử tù khác, là Nguyễn Văn Chưởng, nhưng bất thành.
Thực tế đã cho thấy sức mạnh của dư luận trong và ngoài nước, Quyết định xử tử Chưởng được Tòa án Hải phòng thông báo cho gia đình Nguyễn Văn Chưởng, đã làm dậy lên một làn sóng phản đối chưa từng có, với vô số bài viết, thư từ, kiến nghị, gửi thẳng tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Tất cả những điều này đặt chính quyền Việt Nam vào tình thế đặng chẳng đừng, và buộc phải hoãn thi hành án đối với Chưởng, nếu không muốn đổ thêm dầu vào lửa trước những phản ứng sục sôi của dư luận.
Giới quan sát hoàn toàn có lý khi đưa ra các nhận xét, theo đó, trong thông báo gửi gia đình Lê Văn Mạnh, Tòa án tỉnh Thanh hóa cho biết, họ thi hành án tử hình với tử tù Lê Văn Mạnh, theo yêu cầu của Vụ I, Tòa án Nhân dân Tối cao, trong thông báo ngày 11/8/2023. Trong hệ thống thứ bậc của Tòa án Nhân dân Tối cao thì, Vụ I không thể gửi công văn trực tiếp cho Tòa án tỉnh Thanh hóa, nếu không có sự chỉ đạo từ Chánh án Nguyễn Hòa Bình.
Với vai trò thành viên Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Nguyễn Hòa Bình là một thành viên chủ chốt trong cơ quan nội chính tối cao. Chắc chắn, ông Bình phải bàn bạc, thống nhất trong nội bộ Đảng để tìm kiếm sự đồng thuận, trước khi đưa ra quyết định hành án tử hình đối với tử tù Lê Văn Mạnh, điều chắc chắn sẽ làm xôn xao dư luận.
Điều đó cho thấy, quyết định xử tử Lê Văn Mạnh không phải là một hành động đơn phương từ Tòa án Thanh Hóa, mà là một quyết định có cân nhắc, tính toán kỹ của Tòa án Nhân dân Tối cao, thậm chí là của Ban lãnh đạo Đảng. Đây có thể là hành vi đáp trả lại phản ứng của công luận trước đó, liên quan đến việc thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Nguyễn Hòa Bình nói riêng, hay lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nói chung, thay vì phải nhận ra những điểm hợp lý trong đòi hỏi của công luận về vụ án của Nguyễn Văn Chưởng, để từ đó nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của họ trong công tác tư pháp, để sửa đổi. Song, với tâm thức kiêu ngạo Cộng sản, họ luôn tự ám ảnh rằng, Đảng “luôn luôn đúng”, từ một thứ quyền lực độc tôn. Đó là lý do tại sao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình một lần nữa lại không chịu “thua dân”, và mù quáng cho rằng, hoãn thi hành án là thua dư luận. Đã thua ở vụ Nguyễn Văn Chưởng, thì “thua keo này ta bày keo khác”, cần phải xử tử ngay và luôn đối với Lê Văn Mạnh, khiến dư luận không kịp trở tay.
Đáng nói, vụ xử tử Lê Văn Mạnh đã được lên kế hoạch kĩ càng hơn, dứt khoát hơn vụ Nguyễn Văn Chưởng. Theo chỉ đạo từ Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Cơ quan thi hành án đã chọn đúng thời điểm dư luận xao lãng với phiên tòa của bà Nguyễn Phương Hằng, và nhiều người hoạt động xã hội bị công an giám sát chặt chẽ. Và họ đã thành công, Lê Văn Mạnh bị xử tử gọn ghẽ, nhanh chóng.
Cả thể chế chính trị và nền tư pháp Việt Nam hiện nay, đều cần có bước đổi thay cơ bản và cấp bách. Nếu tư pháp không độc lập, thì còn nhiều những Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải… bị kết án tử hình oan. Phải thay đổi để sinh mạng, quyền tự do của con người được tôn trọng và được bảo vệ, chứ không là trò chơi, là công cụ của quyền lực, của một cá nhân hay một nhóm người./.
Trà My – Thoibao.de