Báo Tiền Phong ngày 30/9 đưa tin, “Công ty vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông lỗ nặng”. Theo đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11/2022, “bình quân vận chuyển khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Do chi phí vận hành vượt doanh thu bán vé, nên hiện công ty vận hành tuyến đường sắt này đang âm vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng”.
Theo Báo cáo Tài chính của Hanoi Metro, tính tới hết tháng 6 năm nay, Công ty đang âm vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng (giảm 8 tỷ đồng so với đầu năm); lỗ sau thuế lũy kế hơn 28 tỷ đồng.
Trước đó hồi tháng 5 – 2023, tờ Tuổi Trẻ cho biết Công ty vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông được UBND Hà Nội trợ giá hàng năm với số tiền rất lớn, riêng cho năm 2022 lên tới 417 tỉ đồng. Như vậy, mặc dù được trợ giá hàng năm với số tiền khủng, nhưng Hanoi Metro vẫn lỗ nặng.
Lâu nay, công trình Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vốn đã có quá nhiều tai tiếng, về chậm tiến độ, về đội vốn, và về không có hiệu quả. Dự án này bị xem là “biểu tượng trễ hẹn và đội vốn”, qua năm đời Bộ trưởng Giao thông – Vận tải; lỗ 160 tỷ trong năm đầu hoạt động. Dự án Cát Linh – Hà Đông đã nhiều lần điều chỉnh vốn, đội vốn hơn 205%, bốn lần dời ngày khai trương.
Được biết, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông khởi công từ năm 2011, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 550 triệu USD. Đến năm 2014, Dự án bị đội vốn lên 40%, tức khoảng 891 triệu USD, đồng nghĩa với khoản tiền chủ đầu tư Việt Nam nợ phía Trung Quốc, tổng cộng khoảng 700 triệu USD.
Báo Tiền Phong ngày 3/4/2018 dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho biết, ước tính, mỗi ngày Việt Nam phải trả cho Trung Quốc 2,4 tỷ đồng tiền lãi phát sinh cộng với nợ gốc, của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Vậy mà, lãnh đạo Hà Nội vẫn mong muốn phía Trung Quốc tiếp tục triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Đông – Xuân Mai, dựa trên kinh nghiệm Dự án Cát Linh – Hà Đông. Mong muốn đó được ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nêu ra với Đại sứ Trung quốc Hùng Ba trong cuộc gặp ở Hà Nội ngày 11/4.
Theo báo Nhân Dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu ra một số đề xuất cụ thể, trong đó có nội dung tiếp tục triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Đông – Xuân Mai.
Điều đó khiến cho công luận hết sức lo ngại, vì cho rằng, Dự án đường sắt đô thị Hà Đông – Xuân Mai sẽ đi theo vết xe đổ của Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước đây, lại tiếp tục rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh.
Chưa hết, lãnh đạo Việt Nam đã thấy quan tài nhưng vẫn chưa đổ lệ. Mới nhất, ngày 16/9 vừa qua, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Quảng Tây, một số tập đoàn của Trung Quốc bày tỏ mong muốn sẽ được tham gia vào các dự án đường sắt và điện gió tại Việt Nam, trong thời gian tới.
Đáng chú ý là, Thủ tướng đã có cuộc gặp với ông Trần Vân, Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc – Tổng thầu thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng, dài khoảng 388km.
Chủ tịch Tập đoàn đường sắt Trung Quốc bày tỏ mong muốn được góp sức thúc đẩy các dự án mà Thủ tướng Việt Nam giới thiệu. Ông cũng cho biết, Tập đoàn này có thể cung cấp khảo sát thiết kế, đầu tư, thi công, thậm chí cả quản lý từ A đến Z.
Thủ tướng Việt Nam còn gợi ý, hai bên Việt Nam và Trung Quốc có thể tính toán thành lập liên danh để đầu tư, trong các dự án tuyến đường sắt Côn Minh – Lào Cai, tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Xin được nhắc lại, trong thời gian qua, các tập đoàn Trung Quốc tham gia rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Những dự án này đã phát sinh nhiều nghi vấn về tiền % lại quả, đồng thời gặp phải sự phản đối của công chúng ở Việt Nam, do tình trạng các dự án này bị đình trệ và đội vốn. Điển hình là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đã bị trì hoãn nhiều lần với thời gian xây dựng lên đến 10 năm, và đội vốn từ 552,8 triệu đô la lúc, đầu lên đến 868,04 triệu USD./.
Trà My – Thoibao.de