Link Video: https://youtu.be/r3H02VaKsdw
Ngày 4/10, blog Trân Văn trên VOA có bài bình luận “Ông Thưởng thành thật chứ không ngoa ngôn”.
Theo tác giả, không phải tự nhiên mà có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội mỉa mai Chủ tịch nước, khi ông ta bảo rằng: Đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm.
Tuy nhiên xét cho đến cùng thì ông Võ Văn Thưởng thành thật chứ không ngoa ngôn.
Tác giả trích dẫn lời phát biểu của ông Thưởng, theo đó, kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại… nên… đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.
Tác giả bình luận, dưới gầm trời này, chẳng còn mấy nơi như Việt Nam – nguyên thủ quốc gia phải lên tiếng kêu gọi giới cầm bút tham gia chống các thói hư, tật xấu cả trong xã hội lẫn hệ thống công quyền, khuyến khích giới này phải vừa… “trung thực” vừa… “quả cảm”!
Muốn biết vì sao lại thế, xin cùng tham khảo….
Tác giả dẫn quan điểm trung thực của một người Việt chia sẻ trên Internet vào tháng 2/2009, theo đó, ông dự đoán về vận mệnh của đất nước và những việc người Việt phải làm để không rơi vào bẫy nghèo đói.
Từ đó đến nay đã 14 năm. Các diễn biến của thời cuộc và hiện tình xứ sở, đủ để từng người xác định ý kiến vừa kể trung thực, thậm chí chính xác đến mức nào. Còn người đưa ra rất nhiều những nhận định, đề nghị kiểu như vừa trích dẫn – ông Trần Huỳnh Duy Thức – hiện đã… ngồi tù 14 năm. Nếu không có gì thay đổi, ông Thức sẽ tiếp tục ngồi tù thêm hai năm nữa để thi hành cho đủ bản án 16 năm vì…“hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”!
Tương tự, tháng 10/2010, tác giả nhắc đến một người Việt khác, gửi cho Công an tỉnh Đắk Nông một “Thư ngỏ”, giải thích thêm về quan điểm của ông đối với hiện tình quốc gia nói chung và chủ trương khai thác bauxite tại Tây Nguyên nói riêng, đồng thời chỉ ra, con đường thoát khỏi bế tắc để vươn lên, chính là DÂN CHỦ – ĐA NGUYÊN VÀ NHÂN QUYỀN.
Tác giả cho biết, người viết thư ngỏ này là ông Đinh Đăng Định – sinh năm 1963, cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, giáo viên Hóa của trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Kết quả, tháng 10/2011, ông Đinh Đăng Định bị bắt, bị phạt 6 năm tù vì “tuyên truyền chống chế độ”… Đến tháng 4/2014, ông Định qua đời sau khi trăn trối với vợ con: Đừng giữ lòng thù hận vì chúng ta không phải kẻ thù của nhau. Nhiều người tin rằng ông Định bị đầu độc trong tù.
Tác giả nhận xét, đối chiếu thực tại sẽ thấy, những gì ông Đinh Đăng Định từng trình bày có trung thực và chính xác hay không? Khi thẳng thắn bày tỏ suy tư, ông Định có quả cảm hay không, và bất kể bị ngược đãi tàn tệ đến mức mất mạng, điều ông trăn trối cho thấy, ông có đủ tình yêu dành cho đồng bào, cho xứ sở hay không?
Tác giả đề cập đến một người Việt khác, người luôn thúc đẩy phát triển truyền thông, giáo dục và xuất bản – bà Phạm Đoan Trang – 45 tuổi, bị bắt vào tháng 10/2020, và nay đang thi hành bản án 9 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”.
Tác giả kết luận, những Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Đăng Định, Phạm Đoan Trang… và nhiều, nhiều người Việt khác giống như họ, chính là nhân chứng cho điều mà ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch nước vừa xác nhận, ở Việt Nam muốn “trung thực” thì phải… “quả cảm”. Điều này thường chỉ có thể thấy ở những cá nhân “có đủ tình yêu thương con người”. Các “nhà văn lão thành” cả đời phục vụ Đảng hiểu điều đó, nên không ai thèm… “trung thực”. Ông Thưởng có… dụ cũng thế thôi!
Xuân Hưng
>>> Hội nghị Trung ương 8 quyết định nhân sự cho tương lai
>>> Việt Nam cho điều tra tháp điện gió có nguồn gốc từ Trung Quốc
>>> Sáng kiến kinh tế mới giữa lòng thành phố ngập sâu
>>> Độ trung thực và tính khả thi trong lời kêu gọi của Chủ tịch nước đến đâu?
Lãnh đạo Việt Nam hay mơ ước viển vông