Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến nghi ngờ về sự trung thực và tính khả thi trong phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, khi ông này kêu gọi nhà văn Việt Nam trung thực và quả cảm, trong đấu tranh với những xấu xa của xã hội Việt Nam hiện nay.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức tại Hải Phòng ngày 30/9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có bài phát biểu nói về những hiện thực xã hội, như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác; tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại…
Ông Thưởng khẳng định, nhân dân và đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh với những “kẻ thù” kể trên.
Dư luận xã hội nhìn nhận, đánh giá phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, là sát với thực tế xã hội hiện nay. Việc ông Thưởng kêu gọi nhân dân và đất nước cần những tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, là điều hoàn toàn đúng.
Có những ý kiến thấy rằng, ông Chủ tịch nước – cựu Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – đã quên, hay mượn cơ hội để gián tiếp chỉ trích sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, và cáo buộc Đảng này phải chịu trách nhiệm về những điều xấu xa kể trên.
Song đa số các ý kiến nghi ngờ, việc ông Võ Văn Thưởng kêu gọi người dân dũng cảm nói lời trung thực, chính là âm mưu để gài bẫy, để bắt giam tất cả những ai dám lên tiếng trước bất công xã hội.
Một nhà hoạt động xã hội từ Sài Gòn nói với thoibao.de, với điều kiện ẩn danh vì sự an toàn, cho biết: “ Lên tiếng ư, tất cả những vụ đại án tham nhũng lớn nhất, đều được tiến hành bởi những lãnh đạo cấp cao, và họ lợi dụng cái vị thế, uy thế của mình ở trong hệ thống Đảng. Và những ai lên tiếng hay đấu tranh chống lại những tiêu cực xã hội, lập tức bị công an lên án, quy chụp là “phản động”, với âm mưu “lật đổ chế độ”.
Qua phát biểu của ông, dư luận cho rằng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tỏ ra sát thực tế cuộc sống hơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Võ Văn Thưởng hiểu và biết rất rõ, do hệ thống chính trị độc đảng, đã tước đi nhân quyền của người dân Việt Nam nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng. Bất cứ tiếng nói phản biện nào bất lợi cho chính quyền, lập tức bị dập tắt ngay, và bị chụp cho cái tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Song vẫn có những ý kiến lạc quan cho rằng, phải chăng, đó là những tín hiệu báo rằng, sẽ có sự thay đổi trong vấn đề tự do ngôn luận?
Liệu phát biểu của ông Chủ tịch Võ Văn Thưởng có liên quan gì đến chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng trước hay không?
Khi Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đưa quan hệ Việt Mỹ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện. Khả năng cao, điều đó sẽ chi phối rất nhiều chính sách của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Phải chăng, Võ Văn Thưởng đã nhận lệnh để đưa ra một tín hiệu thăm dò trong nội bộ Đảng cũng như dư luận xã hội, về xu thế muốn đối thoại, dân chủ hóa, và mở rộng dân chủ trong Đảng. Điều này đang gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của lực lượng bảo thủ trong Đảng vẫn đang chiếm thế thượng phong.
Điều đó liệu có liên quan gì tới những đồn đoán mới nhất của giới thạo tin trước Hội nghị Trung ương 8. Theo đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ kế nhiệm ghế Tổng Bí thư từ ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 14, chứ không phải là Võ Văn Thưởng như đồn đoán trước đây. Đó có phải là lý do khiến Võ Văn Thưởng bất ngờ “trở giọng”.
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam với truyền thống “nói một đằng, làm một nẻo”, họ đã và đang bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận của công dân hàng ngày, hàng giờ, dẫn tới việc hủy hoại và tàn phá đất nước.
Xin được nhắc lại, theo thống kê của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, Việt Nam hiện đang có ít nhất 65 người bị giam giữ vì “Tuyên truyền chống nhà nước”, ít nhất 40 người bị giam vì “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, vì những bài viết trên mạng xã hội khi lên tiếng về hiện tình của đất nước./.
Trà My – Thoibao.de