Số lượng tiến sĩ ở Việt Nam đạt tới mức khủng hoảng thừa về số lượng, được ví nhiều như lợn con, song chất lượng tiến sĩ thì hoàn toàn ngược lại. Đây là thực tế không thể phủ nhận.
Một số luận án tiến sĩ đã từng gây bàn tán trong dư luận, bởi đề tài nghiên cứu không có tầm và càng không có đóng góp thiết thực cho xã hội. Ví dụ như luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”, hay luận án tiến sĩ về đề tài áo ngực cho phụ nữ v.v… đã cho thấy, những đề tài luận án tiến sĩ kiểu như vậy là vô tích sự, gây lãng phí thời gian, công sức, mà chẳng đem lại giá trị gì cho xã hội.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 27/9, với tiêu đề “Việt Nam sẽ công nhận bằng tiến sĩ “du học ngắn ngày”?”, bài báo cho biết, “Hàng loạt bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ xa, trực tuyến “du học ngắn ngày” trước nay không được công nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, dự kiến điều này sẽ thay đổi trong tương lai gần.” Theo đó, vô số bằng tiến sĩ loại hình đào tạo từ xa có thể sẽ được công nhận tại Việt Nam, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho lấy ý kiến góp ý trong một Dự thảo quy định về vấn đề này.
Được biết, trước đây, các chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trực tuyến kết hợp trực tiếp của các trường đại học Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ, Philippines… là những bằng tiến sĩ không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Bộ Giáo dục và Đào tạo từng khẳng định, các chương trình này chưa được cấp phép tại Việt Nam, nên bằng sẽ không được công nhận.
Vậy mà, theo Dự thảo mới đang được thảo luận này, tới đây, có vô số bằng tiến sĩ với hình thức du học ngắn ngày, mà thực chất là bằng tiến sĩ “dỏm”, mua bằng tiền, nhiều khả năng sẽ được công nhận.
Điều này khiến nhiều người lo ngại về chất lượng thực tế của bằng tiến sĩ, và cho rằng, nếu công nhận bằng cấp cho các loại hình đào tạo từ xa, trực tuyến, sẽ dẫn đến nạn mua bán bằng cấp càng nở rộ.
Câu chuyện trên khiến người ta nhớ tới việc, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra việc đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, giai đoạn 2015 – 2019. Việc này đã làm cho ông Bùi Nhật Quang – Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – bị kỷ luật tới mức truất chức Ủy viên Trung ương Đảng.
Kết quả thanh tra cho thấy, chỉ trong năm 2015, Viện Khoa học Xã hội đã cho “ra lò” tới 165 tiến sĩ, với tốc độ đào tạo là 1 ngày 3 giờ 55 phút cho ra một tiến sĩ. Và trong 2 năm (2015 – 2016), Viện này đã cho xuất lò tới 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ, với những đề tài tiến sĩ không biết dùng vào việc gì, mang lại lợi ích gì?
Được biết, các lò ấp tiến sĩ như vừa kể làm ăn phát đạt, vì nó có sẵn cả một thị trường lớn đảm bảo, đó là Đề án 911 – đào tạo 9.000 tiến sĩ với kinh phí tới 12.000 tỷ đồng.
Ngày 16/11/2017, nói về Đề án 911 này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuyên bố: “Tỷ lệ tiến sĩ hiện nay ở ta khoảng 21%, như vậy là quá thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Theo Đề án 911 là phải 35%. Nếu với 9.000 tiến sĩ như trong đề án thì cũng chỉ mới đáp ứng được 30%.”
Để làm sạch đất nước, thì một trong những việc đầu tiên phải làm, là bằng cách loại bỏ ngay những quan chức mua bằng cấp để leo cao. Việc phải lôi tất cả các loại bằng tiến sĩ dỏm ra ánh sáng, phải truy tố những nhóm lợi ích kinh doanh, mua bán bằng cấp ra tòa. Đừng quên rằng, việc sử dụng bằng cấp giả cũng là một hình thức tham nhũng. Những ai sử dụng bằng cấp giả có chứng cứ sai phạm, cần phải bị kỉ luật, kể cả xử lý hình sự.
Công luận nghi ngờ, đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, khi công nhận “bằng tiến sĩ “du học ngắn ngày’”, chính là đang tiếp bước “sự nghiệp” kinh doanh bằng tiến sĩ dỏm trước đây của Phùng Xuân Nhạ?./.
Trà My – Thoibao.de