Truyền thông nhà nước đưa tin, ngày 2/10, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định thi hành kỷ luật, cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Báo Tuổi Trẻ cùng ngày cho biết, trước đó, “Bộ Chính trị kết luận ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc kê khai tài sản”. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, Bộ Chính trị quyết định, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lê Đức Thọ.
Ngay lập tức, phản ứng của công luận thấy rằng, chỉ vì kê khai không trung thực và không minh bạch tài sản, thu nhập, mà Bí thư Lê Đức Thọ bị cách tất cả các chức vụ, thế thì oan cho ông Thọ quá, vì còn nhiều các quan chức cấp cao, của chìm còn lớn hơn ông Thọ nhiều lần.
Vào tháng 6/2023, khi truyền thông nhà nước đưa tin liên quan tới việc Bí thư Lê Đức Thọ kê khai tài sản không trung thực, giới thạo tin cung đình từ Hà Nội đã tiết lộ cho thoibao.de biết, Lê Đức Thọ bị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, số tiền gửi của ông Thọ tại ngân hàng ước chừng ba ngàn tỷ. Đó là chưa kể tới số lượng cổ phiếu khoảng hơn một ngàn tỷ đồng.
Tin cũng cho biết, Lê Đức Thọ là đệ tử của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình – tức Bình ruồi. Với sự hậu thuẫn của Bình ruồi, ông Thọ đang nhăm nhe vận động để giành chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong nhiệm kỳ Đại hội 14, nên bị các thế lực cạnh tranh trong nội bộ Đảng “phang” cho đến mức phải chấm dứt sự nghiệp chính trị ở độ tuổi đang chín nhất.
Ngoài ra, trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 8, báo mạng Tiếng Dân cho hay, “Tin hành lang cho biết, Lê Đức Thọ phân bua rằng, anh ta bị “đánh hội đồng”, rằng Thọ làm sao giàu bằng Lê Minh Hưng, con trai ông Lê Minh Hương (1936 – 2004), cựu Bộ trưởng Bộ Công an.
Lê Minh Hưng có thời gian công tác tại Tổng cục 5 Bộ Công an, được biệt phái vào Vụ Quan hệ Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước. Sau này, Hưng lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Hưng được quy hoạch vào Bộ Chính trị khóa 14, nắm Thường trực Ban Bí thư, hoặc Bộ trưởng Bộ Công an. Thọ cũng nói rằng, ông ta không giàu bằng người tiền nhiệm Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank (2014 – 2018), hiện là Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải”.
Lê Đức Thọ sinh năm 1973, bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng và sau đó sẽ về nghỉ hưu sớm với lý do lãng nhách. Bởi ngày 2/10, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, về kết quả xác minh kê khai tài sản thu nhập năm 2022 – 2023 của Thanh tra Chính phủ, theo đó, có hơn 430.000 người kê khai tài sản, chỉ có 2 người kê khai không trung thực.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây cũng cho biết, trong số 13.093 người được xác minh tài sản, thu nhập của năm 2023, chỉ phát hiện 54 người kê khai không trung thực.
Việc kê khai tài sản là một biện pháp cần thiết trong công cuộc chống tham nhũng ở mọi quốc gia. Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu rằng, ông không kê khai tài sản cá nhân, vì “việc kê khai tài sản cán bộ là rất khó và nhạy cảm vì liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân”. Phát biểu này được ông Trọng đưa ra vào ngày 17/6/2018, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Xin được nhắc lại, ngay trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 7, khóa 12, ngày 6/5/2018, Đài Á châu Tự do cho biết, đã xuất hiện bức thư ký tên tập thể của các đảng viên Đảng Cộng sản, yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải công khai tài sản của mình.
54 người ký tên trong bức thư, có những trí thức, cựu quan chức tên tuổi, như ông Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Quang A… Sau đó, 16 đảng viên, công dân của xã Đồng Tâm, Hà Nội, cũng ký tên vào Thư yêu cầu này.
Công luận cho rằng, ý thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thực hiện kê khai tài sản, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, còn như thế, vậy nỡ lòng nào mà kỷ luật Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre./.
Trà My – Thoibao.de