Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng: “Chống tham nhũng là ta chống ta”. Quả thật là như vậy, chỉ có Đảng mới tham nhũng, chứ dân nào có chút gì trong mâm này? Chính Đảng tham nhũng, rồi Đảng lại chống tham nhũng. Mà trong cái chống tham nhũng ấy, có phải là người trong sạch chống bọn tham nhũng đâu, mà là tham nhũng chống tham nhũng.
Hiện nay, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xây dựng được hình ảnh, ông là “người trong sạch” trong mắt dân chúng. Tuy nhiên, mấy ai biết rằng, trong các loại tham nhũng thì tham nhũng quyền lực là thứ tham nhũng đáng sợ nhất. Bởi khi ông Trọng thâu tóm quyền lực và chính quyền lực đó là nơi ẩn nấp an toàn cho phe cánh, thì không ai có thể chống lại phe cánh ấy, dù cho họ có ăn bạo cách mấy.
Dễ thấy nhất là ông Tô Lâm, ông này đã từng dính đến vụ Mobifone mua AVG nhưng rồi chẳng ai dám đụng đến. Vì được đứng dưới trướng ông Trọng, nên Tô Lâm không sợ bị thế lực nào dùng chiêu bài chống tham nhũng để loại bỏ. Và dưới trướng ông Tô Lâm là Thượng tá Tô Long – Tổng Cục phó Cục An ninh Đối ngoại A01 – Bộ Công an, chính là con trai của ông Tô lâm. Nhiều kẻ lừa đảo qua mạng và làm ăn bất chính được Tô Long bảo kê. Tô Long chỉ là một sĩ quan cấp tá quèn, nhưng ông này khiến cho nhiều tướng phải nể sợ.
Ngoài ông Tô Lâm còn có ông Vương Đình Huệ, lương ông này bao nhiêu mà nuôi con gái du học Mỹ tốn kém, với hàng trăm ngàn đô la Mỹ mỗi năm?
Tầng trên cao nhất là tham nhũng quyền lực, tầng thấp hơn là tham nhũng chính sách. Tham nhũng chính sách là loại tham nhũng tinh vi, cho nên không có vụ án tham nhũng nào bị phanh phui thuộc vào loại tham nhũng chính sách. Tinh vi ở chỗ, nó luật hóa các quy định làm lợi cho tham nhũng, hoặc che chở tham nhũng khi những kẻ này sa lưới pháp luật.
Mới đây, ông Phạm Minh Chính cho Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP. Mục đích của Nghị định này là bảo “cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”. Trong nội dung Nghị định có đoạn như sau: “Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định”.
Nguyên nhân đưa ra Nghị định này, là bởi hậu quả nặng nề từ chiến dịch đốt lò của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Gần đây, trong bộ máy chính quyền đã xảy ra tình trạng không dám làm, né tránh trách nhiệm, hoặc làm lấy lệ, vì sợ bị biến thành củi. Cả bộ máy trở nên tê liệt không hoạt động hiệu quả.
Phần nổi của Nghị định là bảo vệ người “dám làm”, nhưng ẩn đằng sau là chiêu đỡ đòn cho những cây củi có nguy cơ bị tống vào lò. Bởi rất mù mờ với tiêu chuẩn nào được xem là “năng động”, tiêu chuẩn nào được đánh giá là “vì lợi ích chung”?
Cho nên, khi cán bộ làm sai, thì họ có thể lấy Nghị định này ra bào chữa cho mình, như là một căn cứ để không bị truy cứu trách nhiệm. Đấy là một loại tham nhũng chính sách.
Kẻ tham nhũng quyền lực tung cước, kẻ tham nhũng chính sách ra chiêu đỡ. Cả hai đều lấy danh nghĩa là vì lợi ích chung. Ông Tổng thì lấy danh nghĩa làm trong sạch bộ máy nhà nước, mà tung đòn hạ sạch những kẻ không thuộc phe cánh. Ông Thủ vì bị mất quá nhiều củi, lại nhân danh “dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung”, mà tung chiêu đỡ cho đàn lính nhung nhúc bên dưới.
Thực tế, chẳng bên nào vì nhiệm vụ cao cả như họ hô hào. Ông Tổng đánh đấm hàng chục năm nhưng tham nhũng cứ tràn lan, hết lớp này đến lớp khác. Càng đánh, tham nhũng càng khủng hơn. Còn ông Thủ tướng thì sau nửa nhiệm kỳ, vây cánh bị tổn thương khá nhiều, thì cũng nhân danh những ý nghĩa cao đẹp nào đấy mà đỡ đòn Tổng. Cuối cùng, dân chẳng được gì, đất nước vẫn bị sâu mọt đục khoét và nhân dân vẫn cực khổ, để Đảng và lãnh đạo giàu có.
Ý Nhi – Thoibao.de