Chênh lệch thu chi Quỹ Bảo hiểm Xã hội hàng triệu tỷ đồng đang nằm ở đâu, hay vào túi ai?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, người lao động phải đóng tiền Bảo hiểm Xã hội, bao gồm cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn, là điều bắt buộc. Vậy mà, khi xảy ra tai nạn lao động, tiền trợ cấp bảo hiểm trả không được bao nhiêu.

Báo VnExpress ngày 17/10, có bản tin với tựa đề, “Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động “thu nhiều chi ít’”, đã đưa ra nhưng thông tin khiến người đóng tiền bảo hiểm không khỏi giật mình.

Theo đó, “Chuyên gia cho rằng, mỗi năm quỹ bảo hiểm tai nạn lao động thu 6.000 tỷ đồng, song chi ra 1.000 tỷ đồng (chiếm 17%) do mức hỗ trợ thấp, ít dành cho công tác phòng ngừa.”

VnExpress cho biết về trường hợp anh Nguyễn Văn Dương, ở Bình Dương, một trong hơn 54.000 lao động hưởng trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn. Năm 2014, anh Dương bị tai nạn lao động, ngã từ mái tôn nhà xưởng xuống đất. Tai nạn này đã khiến anh liệt nửa người.

Mất 90% sức lao động, anh Dương được nhận trợ cấp hàng tháng theo quy định là 1,48 lần lương cơ sở, cộng với khoản hỗ trợ tính theo số năm đóng bảo hiểm. Mức lương cơ sở năm 2016 là 1,2 triệu. Tổng số tiền anh nhận được hàng tháng là gần 2,5 triệu đồng.

Đến nay, do lương cơ sở nhiều lần điều chỉnh, nên mức hỗ trợ tăng lên được 4,3 triệu đồng.

Từ lao động trụ cột của gia đình, giờ đây, anh Dương phải ngồi xe lăn, nhận khoản hỗ trợ ít ỏi, khiến cuộc sống gia đình anh lâm vào cảnh túng quẫn.

VnExpress dẫn báo cáo của Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động) cho biết, hàng năm, Quỹ bảo hiểm tai nạn – bệnh nghề nghiệp của Việt Nam thu 6,000 tỷ đồng, song chi ra chỉ có 1,000 tỷ đồng (chiếm 17%). Lý do, mức trợ cấp cho người lao động bị tai nạn và bệnh nghề nghiệp, theo quy định hiện hành là rất thấp.

Hiện nay, mức chi trợ cấp hằng tháng căn cứ theo lương cơ sở là 1,8 triệu đồng, và dựa theo tỷ lệ thương tật cụ thể của mỗi trường hợp. Như vậy, mức trợ cấp tối đa dành cho người không còn khả năng làm việc, chỉ bằng 1,68 lần lương cơ sở, tức là khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.

Ví dụ, ở thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ bảo hiểm tai nạn trong 9 tháng đầu năm 2023, thu hơn 307 tỷ đồng – bình quân thu 35 tỷ đồng/tháng. Song chi trợ cấp tai nạn và bệnh nghề nghiệp chỉ có 82 triệu đồng/tháng, chi trung bình cho mỗi trường hợp nhận trợ cấp chỉ là 1.3 triệu đồng/tháng. Mức chi này là quá thấp, người lao động bị tai nạn phải nhận mức trợ cấp này, chắc chắn không đủ để trang trải cuộc sống.

Theo VnExpress, ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhận xét, Quỹ bảo hiểm tai nạn kết dư nhiều không phải “thu tốt mà bởi tiêu quá ít”, tức chế độ chi trả rất thấp. Điều này hoàn toàn không hợp lý.

Tổ chức Lao động Quốc tế khuyến nghị, nhà nước Việt Nam cần điều chỉnh, nâng mức trợ cấp dựa trên lương thực tế của người lao động trước khi bị tai nạn, chứ không nên căn cứ vào mức lương cơ sở!

VnExpress còn cho biết thêm, hệ thống Bảo hiểm Xã hội Việt Nam còn bao gồm ba loại quỹ bảo hiểm khác, đó là: Quỹ bảo hiểm tai nạn, Quỹ hưu trí tử tuất, Quỹ ốm đau. Đến cuối năm 2022, tổng kết tồn dư ba quỹ này là hơn 1.1 triệu tỷ đồng.

Dưới phần bình luận của VnExpress, nhiều độc giả thắc mắc: “Không hiểu cái chênh lệch lớn đó được dùng vào mục đích gì?”; “Thu 6,000 tỷ, chi 1,000 tỷ, 5,000 tỷ còn lại làm gì? Nếu gửi ngân hàng thì mỗi năm tiền lãi thu về thấp nhất cũng 250 tỷ đồng, tại sao không lấy số tiền đó chi thêm cho người lao động bị tai nạn?” v.v…

Trên mạng xã hội cũng có nhiều ý kiến bình luận đáng chú ý, như: “Số dư trên sổ sách lớn như vậy, nhưng thực tế hiện tiền đang nằm ở đâu, được sử dụng như thế nào. Một nguồn tiền lớn như vậy, dễ gì quan chức ta chịu bỏ không?”

Xin được nhắc lại, cách đây vài năm, một loạt lãnh đạo quỹ Bảo hiểm Xã hội đã bị truy tố. Bao gồm các ông: Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội; nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam); Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Tất cả bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”./.

Trà My – Thoibao.de