Link Video: https://youtu.be/pTWhW5g6DxM
Ngày 19/10, báo VnExpress có bài “Công đoàn PouYuen: “Lao động hoảng khi nghe rút bảo hiểm còn 50%”’.
VnExpress dẫn lời Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyuen – ông Củ Phát Nghiệp – phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh chiều 18/10. Theo ông Nghiệp, lao động sẽ bị sốc nếu chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần còn 50%, vì cho rằng, quyền lợi của họ sẽ bị giảm.
VnExpress cho biết, Pouyuen là doanh nghiệp đông lao động nhất thành phố, có thời điểm lên đến hơn 90.000 người. Đây cũng là nơi xảy ra cuộc ngừng việc tập thể lớn nhất vào năm 2015, để phản ứng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Sau đó, Quốc hội buộc phải ra Nghị quyết 93, tiếp tục cho phép lao động rút bảo hiểm sau một năm nghỉ việc.
Theo VnExpress, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hiện tại có 2 phương án rút tiền bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1: Nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực mới được rút, nhóm tham gia sau thời điểm này thì không được rút.
Phương án 2: Không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm chưa tham gia hệ thống đều được rút, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ hưu.
Ông Nghiệp cho rằng, rất nhiều công nhân mang sẵn tâm lý rút bảo hiểm, nên khi nhắc đến phương án cho rút nhưng không quá 50%, họ sẽ lo lắng.
“Họ không cần quan tâm đến đoạn sau nữa mà sẽ ồ ạt nghỉ việc để rút tiền. Điều này còn rủi ro nhiều hơn cho hệ thống bảo hiểm và doanh nghiệp thiếu người sản xuất“, ông Nghiệp nói.
Qua thăm dò ý kiến công nhân, Công đoàn Pouyuen đề xuất chọn phương án một.
Theo ông Nghiệp trước mắt phương án này giúp ổn định được tình hình. Về lâu dài chính quyền cần thông tin về các chính sách dành cho người hưởng hưu trí hấp dẫn hơn, để họ ở lại hệ thống. Đặc biệt, những người tham gia từ 1/7/2025, là thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, sẽ không được rút nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ dần tiến giới giải quyết dứt điểm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
VnEpress dẫn lời ông Trần Anh Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hitachi Zosen Việt Nam (quận 1), cho rằng, lần sửa luật này cần chọn phương án giúp chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Ông Kiệt phân tích, lý do người lao động đưa ra để rút bảo hiểm là chê lương hưu thấp. Tuy nhiên, lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng. Lúc đi làm lao động chỉ thích đóng nhích hơn mức tối thiểu vùng, thì không thể đòi hỏi lương hưu trí cao.
Là một người làm công tác công đoàn, nghĩa là đại diện cho quyền lợi của người lao động, nhưng phát biểu của ông Củ Phát Nghiệp và ông Trần Anh Kiệt rõ ràng là chống lại người lao động, và chỉ nghĩ đến lợi ích của nhà nước. Điều này dễ hiểu vì ở Việt Nam, chỉ có những công đoàn theo hệ thống của Liên đoàn Lao động Việt Nam – một cánh tay nối dài của Đảng – mới được phép hoạt động. Như vậy, bản chất của công đoàn ở Việt Nam không đại diện cho quyền lợi của người lao động, mà là công cụ cho Đảng, cho giới chủ áp bức người lao động.
Những người làm công đoàn này không dám đề cập đến một thực tế, đó là mức thu Bảo hiểm Xã hội quá cao (32% lương mỗi tháng), mà mức chi trả quá thấp. Theo đó, nam giới đóng đủ 20 năm và nữ giới đóng đủ 15 năm, thì chỉ được nhận 45% mức lương mà họ đã đóng. Người đóng bảo hiểm Xã hội đủ 30 năm thì mới được nhận mức lương hưu 75% so với mức lương họ đóng.
Thực tế, chính vì mức thu quá cao ảnh hưởng đến thu nhập hàng tháng của công nhân, trong khi mức chi trả lại quá thấp, không đủ để giải quyết đời sống của người công nhân khi về già, là nguyên nhân chính khiến người lao động tìm đủ mọi cách để “né” đóng bảo hiểm.
Quang Minh
>>> Vì sao Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Ninh Bình lại thách thức dân?
>>> Vì sao Đà Nẵng liên tục bị ngập nặng những ngày qua?
>>> Sữa có chất kịch độc trong vụ 2 mẹ con chết sau khi uống sữa ở Tiền Giang
>>> Sự nguy hại của dự án kênh đào Đế chế Phù Nam
Vì sao Ngọc Trinh bị bắt?