Link Video: https://youtu.be/rH9-Z0BGxLc
Ngày 17/11, RFA Tiếng Việt đăng bài “Một phát biểu hàm hồ về vụ san lấp vùng đệm vịnh Hạ Long để xây biệt thự” của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
Tác giả đề cập đến ý kiến của ông Vũ Minh Trí – cựu Trung tá Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng – trong bài “Dự án lấn biển “vùng đệm” vịnh Hạ Long” công luận sẽ được lắng nghe?” đăng trên RFA ngày 13/11.
Ông Trí phát biểu rằng, người khơi ra vụ này là một tờ báo của nhà nước, cụ thể là báo Tiền Phong, và dân mạng hùa vào theo. Nên ở đây có sự dẫn dắt từ phía nhà nước hoặc một thế lực nào đó từ phía nhà nước, chứ không phải một việc làm có tính khách quan, sự thật. Thứ hai, dư luận rầm rộ bàn, nhưng tất cả đều nói khơi khơi, chứ chưa thấy ai dẫn ra một điều luật, bản đồ hay tài liệu gì tham chiếu, để nói công trình ấy đã vi phạm luật pháp của Việt Nam.
Tác giả nhận định, phát biểu trên của ông Trí là hàm hồ.
Tác giả phân tích, ông Trí cho rằng, báo chí của Nhà nước Việt Nam không thể cung cấp thông tin khách quan và sự thật. Đây là quan điểm ấu trĩ, phi logic và cực đoan. Bởi vì, mọi thông tin, bất luận đến từ báo Nhà nước hay từ các cá nhân độc lập với chính quyền Việt Nam, đều có thể khách quan hoặc không khách quan, có thể cung cấp sự thật hay xuyên tạc sự thật.
Tác giả đánh giá, mọi thông tin đều có giá trị nội tại của nó. Giá trị nội tại của một thông tin xuyên tạc sự thật nằm ở chỗ, nó có thể giúp tìm ra sự thật. Thông tin loại này thường mâu thuẫn nghiêm trọng với phần lớn thông tin khác về cùng vụ việc, thậm chí tự mâu thuẫn, và có những kết luận không logic. Chính điều này gây sự quan tâm, tò mò nơi người đọc, khiến họ đi sâu tìm hiểu vụ việc, bằng cách đối chiếu các nguồn tin khác nhau. Sự xuyên tạc sự thật sẽ được phơi bày như là kết quả của hành trình.
Theo tác giả, ông Trí cho rằng, vì là báo Nhà nước nên Tiền Phong có sự dẫn dắt của Nhà nước, hoặc một thế lực nào đó từ phía Nhà nước. Do đó, theo ông Trí, vụ lấp vịnh Hạ Long do báo này “khơi ra” mang động cơ phe phái, và vì thế, không phản ánh sự thật khách quan.
Tác giả bình luận, thực tế cho thấy, cho dù chịu áp lực lớn từ chính quyền, trong rất nhiều trường hợp, báo chí chính thống vẫn giữ được sự độc lập và trung thực trong việc truyền đạt thông tin, ví dụ các vụ án oan vừa qua.
Tóm lại, không thể tổng quát hóa rằng, mọi thông tin từ báo chí Nhà nước đều bị chi phối hoặc có mục đích chính trị. Mà ngược lại, chính đấu đá nội bộ lại làm lộ ra những sự thật động trời, mà trước đó giới cầm quyền giấu nhẹm.
Ngoài ra, tác giả cho rằng, ông Trí cũng hàm hồ khi nói “dân mạng hùa theo” báo Tiền Phong. Bởi trước hết, “dân mạng” không thuộc và không chịu sự chi phối trực tiếp của một tổ chức cụ thể nào, dù đó là Nhà nước hay tư nhân.
Do đó, “dân mạng” cơ bản là tự do, chủ động và đa dạng trong bày tỏ quan điểm. Điều này bất chấp nỗ lực kiểm soát của các chính quyền, đặc biệt trong một chế độ độc tài, nỗ lực ảnh hưởng của các chính trị gia, doanh nghiệp, hoặc tổ chức xã hội thông qua các chiến lược truyền thông và quảng cáo trực tuyến. Đối với thông tin giả mạo, sai sự thật, “dân mạng” có thể phản đối trực tiếp, chia sẻ thông tin chính xác và kiểm chứng được. Để nói, những gì mà đông đảo “dân mạng” chia sẻ và ủng hộ, thì có thể giả định rằng, đó là các sự việc khách quan, có thật.
Tóm lại, vẫn theo tác giả, khái niệm “hùa theo” không thể áp dụng cho “dân mạng” nói chung.
Cuối cùng, ông Trí nói rằng, chưa thấy ai dẫn ra một điều luật, bản đồ hay tài liệu gì tham chiếu, để nói công trình ấy đã vi phạm luật pháp của Việt Nam.
Tác giả nhận xét, điều này rõ ràng là ngoa ngôn. Vì bản thân tác giả đã công bố một kiến nghị gửi Quốc hội, lãnh đạo Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam, trong đó yêu cầu xử lý các đối tượng liên quan đến việc san lấp vịnh Hạ Long để xây biệt thự, do đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Xuân Hưng
>>> Bắt ông Lưu Bình Nhưỡng làm sụp đổ chút niềm tin ít ỏi còn sót lại với thể chế
>>> Sự cần thiết có thêm những bộ sách giáo khoa mới và đề xuất cách làm để tránh độc quyền
>>> Vụ bắt Lưu Bình Nhưỡng mang màu sắc của thuyết âm mưu
>>> Lãnh đạo Việt Nam cần tăng trưởng GDP bằng mọi giá để có thành tích
Việt Nam thúc giục Mỹ công nhận nền “kinh tế thị trường” dựa trên những cân nhắc chính trị