Link Video: https://youtu.be/SUEfR8hRJTM
RFA Tiếng Việt ngày 22/11 có bài “Tội phạm vẫn tăng cao dù Công an được tăng cường nhiều nguồn lực”.
Theo đó, khoảng 50.000 công an chính quy đã được điều động về các phường, xã, trong vòng 4 năm qua, với lý do giúp đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm được báo cáo là tăng mạnh trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2023.
RFA dẫn lời Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, từ California (Hoa Kỳ) cho biết:
“Công an cấp bộ được bổ sung về cơ sở, chứng tỏ là biên chế bộ máy ở công an cấp bộ cũng đã quá phình to rồi, cộng với một số lượng rất lớn hàng nghìn công an được đào tạo ở các trường, từ trung cấp cho đến đại học công an, thì đương nhiên phải bố trí về từ quận cho đến phường.”
RFA cho biết, Bộ Công an hiện còn yêu cầu sáp nhập bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung, gọi là “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”.
Theo đó, lực lượng này sẽ được công nhận chức danh, có nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã.
Mỗi năm, lực lượng này được cấp khoảng 3.500 tỷ đồng để duy trì hoạt động.
RFA dẫn lời một người từng công tác trong ngành công an giấu tên, nói rằng:
“Lực lượng này không bao giờ chống đối, chuyên đi trấn áp dân, giải tỏa cưỡng chế đất đai hoặc là trấn áp các đoàn biểu tình thì lực lượng này sẽ là hăng hái nhất.
Công an chính quy né hết các trường hợp trấn áp người dân. Nếu bây giờ va chạm với người dân thì người dân sẽ ghét, thì đâu có được ích lợi gì, cho nên họ sẽ đưa lực lượng bảo vệ dân phố ra, lực lượng này sống chết gì cũng không được quan tâm.”
RFA bình luận, dù được trang bị rất nhiều nguồn lực để hoạt động, tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm trong năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực đều tăng.
RFA dẫn báo cáo của Bộ trưởng Công an trước Quốc hội, theo đó, số vụ giết người tăng 12%. Nhóm tội phạm liên quan đến an ninh trật tự như cướp giật tăng 17%, gây rối trật tự công cộng tăng 80%. Đặc biệt, tội phạm lừa đảo qua mạng tăng hơn 200% trong năm qua.
Giải trình trước Quốc hội, ông Tô Lâm cho biết, một trong những nguyên do chính khiến tình hình tội phạm tăng cao là vì khó khăn về nguồn lực; các yêu cầu, nhiệm vụ tăng lên, nhưng biên chế không tăng, kinh phí, phương tiện còn nhiều khó khăn. Do đó, ông đề nghị Quốc hội tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng Công an Nhân dân.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ phản bác:
“Nếu lập luận theo kiểu tội phạm tăng thì phải tăng công an, thì đó là một cách xử lý cơ học, không khoa học. Nếu một xã hội được quản lý tốt về mặt dân số, có các chính sách xã hội pháp luật tốt, thì tội phạm sẽ giảm chứ không tăng.”
Cựu cán bộ công an giấu tên thì khẳng định:
“Tội phạm tăng hay giảm là do công an điều tiết. Ví dụ công an có thể trấn áp, diệt sạch hết không còn một mống tội phạm ma túy chỉ trong vòng một tuần, nhưng mà công an họ không muốn bắt, họ muốn nuôi án.”
“Công an biết hết nhưng sẽ không bắt hết, mà họ sẽ nuôi chứ. Nếu bây giờ bắt hết thì năm sau lấy gì mà bắt cho đạt chỉ tiêu. Cho nên, điều bất cập và khốn nạn nhất trong ngành công an chính là chỉ tiêu.”
Vị cựu công an này đánh giá:
“Nếu tỷ lệ tội phạm cao, ông Tô Lâm sẽ yêu cầu được tăng thêm lực lượng để trấn áp tội phạm.
Nếu xét về tình hình chính trị bây giờ thì Tô Lâm đang muốn phô trương thanh thế, muốn thêm quân để tăng thêm quyền lực. Vì vậy cho nên Tô Lâm mới đề xuất thống nhất các lực lượng dân quân ở tổ dân phố và tăng quyền hạn cho họ.
Rõ ràng đây là một hình thức thu quân, lấy quân số để tạo thế lực, uy quyền cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm.”
Minh Vũ
>>> Ba vấn đề cần làm rõ trong vụ Vạn Thịnh Phát
>>> Tổng Bí thư ca ngợi công cuộc chống tham nhũng
Câu chuyện chăm phần chăm và cơ chế giám sát của nền pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam