Link Video: https://youtu.be/x-hA0kVuN8s
Ngày 4/12, BBC Tiếng Việt có bài “Hà Nội không cho treo 30 tranh gò đồng vì “người trong tranh”?”
BBC dẫn tin từ giới văn nghệ sĩ Việt Nam, theo đó, cuộc triển lãm chân dung văn nghệ sĩ, của nhà thơ, nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường đã khai mạc hôm 2/12, nhưng 30 bức không được chính thức trưng bày.
Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã cấp phép cho treo 154 bức, còn 30 bức khác bị loại khỏi triển lãm và đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook ở Việt Nam.
BBC cho biết, số tranh gò đồng bị cấm, gắn liền tên các văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng qua nhiều thế hệ, như: triết gia Trần Đức Thảo; học giả Phan Khôi; các nhà văn như: Vũ Thư Hiên, Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập; các nhà thơ: Trương Tửu, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Hoàng Hưng…
Một số người chưa từng bị đàn áp trong quá khứ giống các vị trên vẫn có chân dung “bị cấm“, như: Nguyễn Duy, Dương Tường, Nguyên Ngọc, Trần Huy Quang, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Thái Kế Toại… và nhiều người khác.
BBC dẫn Facebook cá nhân của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, thì hồi năm 2018, một triển lãm tương tự, nhỏ hơn, với chân dung gò đồng văn nghệ sĩ cũng của tác giả Phạm Xuân Trường ở Hải Phòng, đã được thanh phố đó cho phép treo 100 bức, và cấm 8 bức.
Ông Phạm Xuân Nguyên đặt câu hỏi rằng, có sự khác nhau trong việc “thẩm định tranh” của Hà Nội và Hải Phòng, và xác nhận rằng, chân dung của ông ở cả hai cuộc triển lãm, tại Hải Phòng và Hà Nội, đều thuộc diện “bị treo” – tức là không được ra mắt công chúng.
BBC dẫn bình luận của nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu như sau:
“Các tác phẩm đều rất đẹp, rất có hồn, giá trị nghệ thuật cao, thể hiện tay nghề điêu luyện và tấm lòng yêu quý những người được thể hiện. Vậy chỉ có thể là những cái tên đã khiến những tác phẩm không được trưng bày, trong ấy có cả triết gia Trần Đức Thảo, được giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyên Ngọc, những nhà văn, nhà thơ được giải thưởng nhà nước như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Duy, Hoàng Quốc Hải…”
“Vậy các chuyên gia văn hoá, các quan chức nắm văn hoá đất nước, lấy lý do gì để cấm những tác phẩm chân dung ấy?”
BBC cho hay, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội hay các đô thị ở Việt Nam có quyết định “nửa vời” về các sự kiện văn hóa đại chúng, gắn liền với lịch sử cận đại.
Hồi 2014, một triển lãm về Cải cách Ruộng Đất đã được cho khai mạc vào ngày 11/9, rồi đột nhiên bị đóng.
Theo sử gia Dương Trung Quốc phát biểu lúc đó, triển lãm được thực hiện trong bối cảnh chưa có một tổng kết chính thức về Cải cách Ruộng đất, nên “đương nhiên sẽ có hạn chế rất lớn”, bất chấp nỗ lực của những người làm công tác bảo tàng.
BBC liệt kê một số vụ việc cho diễn, rồi lại tìm lý do kỹ thuật loanh quanh để ngưng buổi diễn.
Chẳng hạn, hồi tháng 9/2022, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, đồng loạt “tạm hoãn” show diễn của ca sĩ Khánh Ly, dù đã cho phép bà về Việt Nam thực hiện chuyến công diễn.
Hồi tháng 7/2021, phim Vị – được trao giải thưởng lớn ở Đài Bắc và Berlin – đã nhận quyết định cấm chiếu từ Cục Điện ảnh Việt Nam.
Cùng lúc, BBC cũng cho hay, Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nắm được vấn đề rằng, quản lý, kiểm soát văn hóa phẩm ở thời đại công nghệ kỹ thuật số và mạng xã hội, không thể áp dụng theo kiểu cũ.
BBC cho biết thêm, dư luận ở Việt Nam có ý kiến cho rằng, việc cấm đoán sẽ chỉ có hiệu ứng ngược, gián tiếp “quảng cáo” cho những tác phẩm, hoạt động văn hóa nghệ thuật, mà nếu cứ để diễn ra bình thường thì công chúng sẽ biết đánh giá có thật là hay hay không.
Tác phẩm hay sẽ có sức sống với thời gian, còn tác phẩm dở sẽ bị đào thải, theo quan điểm của luồng dư luận này.
Quang Minh
>>> Kissinger và Việt Nam Cộng hoà
>>> Việt Nam có thể làm gì trong hồ sơ chủ quyền biển đảo?
>>> Công an Việt Nam đổi mẫu thẻ căn cước lòng vòng để làm gì?
>>> Nông sản Việt Nam vẫn tồn dư hóa chất cao, ớt và sầu riêng bị Nhật tiêu huỷ
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng rời Việt Nam vì bị đe doạ