Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, cần cải cách thể chế mạnh mẽ theo hướng dân chủ

Link Video: https://youtu.be/ykN9RKCLGh8

Ngày 4/12, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam. Bài viết có tựa đề “‘Nhích” lại gần phương Tây hơn vì mục đích tăng trưởng”.

Theo tác giả, những năm gần đây, tăng trưởng GDP của Việt Nam trồi sụt, có xu hướng giảm.

Tại phiên toàn thể ngày 29/11 của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, các Nghị quyết được ban hành về thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện và thực thi các chính sách cải cách thể chế. Trong khi đó, ông Chủ tịch nước công du Tokyo để nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện”. Còn Thủ tướng Chính phủ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để… xúc tiến đầu tư.

Tác giả phân tích, có tăng trưởng mới có thêm việc làm, mới có thêm thu nhập, mới nâng cao được mức sống, ổn định xã hội… Hơn thế, có tăng trưởng mới có thể đảm bảo tính chính danh của Đảng Cộng sản và chế độ. Những động thái ngoại giao “nhích” lại gần phương Tây hơn của giới lãnh đạo, nhằm mục đích kinh tế, trước hết, là “cứu” tăng trưởng, thay vì cải cách “đột phá”.

Nhưng, để “cứu” tăng trưởng, theo nghĩa tăng trưởng bền vững, thì “mở cửa” phải gắn liền với “cải cách” thị trường nhất quán trong một chính sách. Nếu chỉ mở cửa về kinh tế thôi, sẽ là không biện chứng, thị trường đòi hỏi cải cách thể chế cả kinh tế và chính trị phù hợp.

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13 năm 2021, xu hướng mở cửa “năng nổ” hơn, với những cuộc đón tiếp lãnh đạo nước ngoài tới thăm dồn dập và tần suất cao, những chuyến công du tới các nước có chế độ chính trị khác nhau.

Tuy nhiên, tác giả cho hay, một chính sách mở cửa “năng nổ” đang bị thách thức, sự “cân bằng” bị phá vỡ, khiến giới lãnh đạo lo lắng trước “những cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới suy giảm, sự chia rẽ giữa các cường quốc, các cuộc chiến tranh Nga – Ukraina, Hamas – Israel, sự căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh thể chế mang tính ý thức hệ… tất cả đã khiến thị trường rối loạn, cầu giảm và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hình: Bài bình luận trên RFA

Tác giả cho rằng, sự ổn định chính trị là điều cần thiết cho môi trường đầu tư, nhưng nếu nó được duy trì bởi sự sợ hãi, thiếu công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình từ phía chính quyền, và trì hoãn các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp, thì sự tăng trưởng kinh tế không thể bền vững.

Tác giả nhận xét, các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài có tính độc lập tương đối với chính phủ, trong quyết định đầu tư, kinh doanh. Họ nhạy bén với môi trường thể chế và có tầm nhìn toàn cầu.

Sự trỗi dậy hung hăng và phi dân chủ của Trung Quốc là một trong những hệ quả của sự dịch chuyển vốn FDI ra khỏi Trung Quốc. Nhưng Việt Nam chỉ là một trong nhiều lựa chọn điểm đến. Những vấn đề về thể chế đã khiến Tập đoàn Intel không tiếp tục mở rộng đầu tư, và Tập đoàn Orsted dừng toàn bộ kế hoạch điện gió ngoài khơi Việt Nam, đồng thời Bộ Thương mại Hoa Kỳ khó công nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường.

Về “nội bộ” thể chế, những vấn đề về lao động chỉ là hình thức, vì thiếu vắng công đoàn độc lập.

Tác giả đề cập đến phát biểu của Tổng Bí thư, nhấn mạnh rằng, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội do Đảng lãnh đạo, tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, ngày 2/12 vừa qua. Như vậy, các quyền hiến định về thành lập các hội đoàn, biểu đạt, bị trì hoãn thực thi. Các nguyên tắc thị trường bị phá vỡ!

Tác giả bình luận, “nhích” lại gần phương Tây hơn, mới chỉ là “điều kiện cần” nhưng để “cứu”, còn muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, cần phải cải cách thể chế mạnh mẽ, đột phá. Những vấn đề được trình bày ở trên cho thấy cải cách tăng trưởng còn nhiều khó khăn.

Thu Phương

>>> Kissinger và Việt Nam Cộng hoà

>>> Việt Nam có thể làm gì trong hồ sơ chủ quyền biển đảo?

>>> Công an Việt Nam đổi mẫu thẻ căn cước lòng vòng để làm gì?

>>> Nông sản Việt Nam vẫn tồn dư hóa chất cao, ớt và sầu riêng bị Nhật tiêu huỷ

Hà Nội cấm treo 30 tranh gò đồng chân dung văn nghệ sĩ