Trong năm 2023, liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan, truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa ra những con số thiệt hại khủng khiếp, trong vụ án tham nhũng này.
Đây là một vụ án tham nhũng chưa từng có, cả về mức độ và quy mô, tồn tại trong một thời gian dài mà không bị phát hiện. Bất chấp những cảnh báo từ 10 năm trước của chính truyền thông nhà nước, nhưng lãnh đạo Việt Nam đã không quan tâm.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng – trong một bài phân tích về vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan, đã đưa ra một thắc mắc đáng chú ý, “Vì sao, còn quá nhiều điều nổi cộm chưa được điều tra làm rõ, thì lãnh đạo Việt Nam lại cho dừng cuộc điều tra ở mức đáng ngạc nhiên?”.
Báo Hongkong này còn đặt câu hỏi, vì sao, Việt Nam đã khởi tố và bắt giam bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm từ đầu tháng 10/2022, nhưng đến nay, mà vẫn chưa có quan chức Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước nào bị xử lý kỷ luật về trách nhiệm liên quan?
Đây là những điều hết sức bất thường, trong khi đó, trên mạng xã hội đã có những đồn đoán cho biết, vụ án này, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ không tiếp tục điều tra về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, cũng như trách nhiệm của Chính phủ.
Ngày 27/12, Thông Tấn xã Việt Nam đã loan tin với tựa đề, “Bộ Công an thông tin về quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát”.
Bản tin cho biết, Bộ Công an đang điều tra mở rộng đại án Vạn Thịnh Phát, và cho rằng, bà Trương Mỹ Lan đã dùng hàng trăm nghìn tỷ đồng “rút ruột” từ SCB, để mua nhiều bất động sản và chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục phó C03, Bộ Công an, cho biết, Bộ Công an đã chuyển sang giai đoạn hai của vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, sau khi kết thúc điều tra, truy tố ở giai đoạn 1.
Bộ Công an cho biết, đây là một vụ án rất lớn, cùng với số lượng bị can nhiều, nên họ phải tách ra để điều tra ở giai đoạn 2, trong đó tập trung làm rõ hành vi, “Rửa tiền và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan phát hành trái phiếu.”.
Giới quan sát cho rằng, việc mở rộng điều tra đại án Vạn Thịnh Phát trong giai đoạn 2, cũng chỉ liên quan tới những thông tin cũ mà Bộ Công an đã đưa trước đây, về rất nhiều bất động sản ở vị trí đắc địa, được gọi là các “khu đất vàng” hay “khu đất kim cương”, có giá trị giá hàng nghìn tỷ đồng ở các thành phố lớn.
Việc Bộ Công an quyết định điều tra mở rộng đối với hành vi rửa tiền của bà Trương Mỹ Lan, là điều phù hợp, cần thiết, và đáng hoan nghênh.
Trong dữ liệu được Hiệp hội các nhà điều tra quốc tế công bố trong “Hồ sơ Panama”, hồi tháng 5/2016, đã cho thấy:
“Những cái tên giống với tên lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, như Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric. Theo đó, ông Chu, thường được biết là Chu Lập Cơ một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong, và là chồng của bà Trương Mỹ Lan.”.
Truyền thông nhà nước Việt nam cho biết, cả hai vợ chồng ông Chu Lập Cơ và bà Trương Mỹ Lan đều bị khởi tố để điều tra về tội “rửa tiền”. Báo Tiền Phong cho biết, ông Chu Lập Cơ đã gây thiệt hại hơn 9.100 tỷ đồng, nhưng mới chỉ nộp lại 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Một vấn đề mà công luận Việt Nam đang hết sức quan tâm, đó là câu hỏi, “Vì sao và lỗ hổng nào đã giúp bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn hoành hành thời gian dài như vậy, mà không bị phát hiện?”.
Đây là một vấn đề được cho là hết sức nhạy cảm, mà ban lãnh đạo Hà Nội hết sức tránh né, thậm chí không dám đối diện với những sự thật, được đánh giá là những “quả bom tấn”, có thể làm rung rinh chế độ hiện nay.
Theo Cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ngày 15/12, bà Trương Mỹ Lan đã bị truy tố về các tội danh: “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, với khung hình phạt lên đến tử hình.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan đã thao túng, rút ruột Ngân hàng SCB, gây ra thiệt hại lớn chưa từng thấy.
Cụ thể:
“Trong vòng hơn 10 năm, bà Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà đã được SCB bơm gần 1 triệu 67 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ ‘không thể thu hồi’. Ngoài ra, bằng cách lập các hồ sơ vay vốn khống, bà Lan đã chiếm đoạt của SCB trên 304.000 tỷ đồng, tức khoảng 12,5 tỷ đô la.”
Được biết, trong số tiền kể trên, bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng tới 93% vào những mục đích khác nhau.
Để tránh bị phát hiện, bà Trương Mỹ Lan đã dùng tiền để mua chuộc toàn bộ lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, cũng như vô hiệu hóa Đoàn thanh tra của Chính phủ, cũng như của Ngân hàng Nhà nước.
Cho tới nay, câu hỏi, bằng cách nào mà bà Trương Mỹ Lan sử dụng tiền lừa đảo, để mua và sở hữu 156 bất động sản, đa số là công sản thuộc sở hữu của nhà nước, nằm ở những khu vực đắt tại trung tâm quận 1 Sài Gòn. Chắc chắn, bà Lan phải có các mối quan hệ với giới chức chính trị cấp cao.
Phải chăng, đó mới là lý do thật sự khiến cuộc điều tra đã phải dừng lại?
Và cũng không loại trừ một khả năng rất cao, liên quan tới sự “che chắn”, thậm chí là có sự dính líu trực tiếp của Tổng Bí thư Trọng./.
Trà My – Thoibao.de
31.12.2023