Không đơn hàng, doanh nghiệp dệt may lớn phải bán tài sản – nguyên nhân vì sao?

Ngày 3/2, báo Tuổi Trẻ loan tin “Không đơn hàng, công ty dệt may lớn ở thành phố Hồ Chí Minh rao bán tài sản”.

Tuổi Trẻ cho biết, đến cuối năm 2023, nhiều công ty dệt may vẫn trong tình trạng khó khăn khi thiếu hoặc không có đơn hàng. Có doanh nghiệp thua lỗ, cắt giảm gần hết nhân sự và bán dần tài sản.

Tuổi Trẻ dẫn lời bà Nguyễn Minh Hằng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn – cho biết, quý 4/2023 công ty vẫn không có đơn hàng.

Do vậy, lãnh đạo Garmex quyết định tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiệt hại. Đồng thời rà soát tài sản, thanh lý nếu không cần dùng để trang trải chi phí.

Từ tháng 12/2023, Garmex liên tục có thông báo thanh lý ô tô con, xe tải, máy thêu, máy giặt, sấy…

Theo Tuổi Trẻ, tình trạng ở các công ty dệt may khác cũng không khá hơn.

 Trong đó, doanh thu của Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) năm 2023 đã giảm 23% so với năm 2022.

Tác giả dẫn thông tin từ Ban lãnh đạo TCM cho hay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu giảm sút đơn hàng đến 50-70%. Đồng thời, ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người, môi trường, thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế…

Dù chỉ là một dòng thông tin ngắn ngủi và mơ hồ, nhưng dường như, lần đầu tiên báo chí Việt Nam đề cập đến lý do thực sự của việc ngành dệt may nói riêng và các ngành xuất khẩu của Việt Nam nói chung bị mất đơn hàng. Đó là “những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người, môi trường, thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế…”

Hơn 2 năm nay, báo chí Việt Nam vẫn ru ngủ người dân rằng, suy thoái kinh tế là tình trạng toàn cầu, là do ảnh hưởng hậu Covid, là do chiến tranh Ukraine… vân vân và mây mây… Nên các doanh nghiệp Việt mới bị mất đơn hàng, người lao động mới thất nghiệp, vì vậy phải cố chịu đựng chờ “qua cơn bĩ cực” chung, chờ kinh tế thế giới phục hồi.

Tuy nhiên, người tỉnh táo vẫn nhận ra, tại sao cả thế giới suy thoái, đặc biệt là kinh tế Nhật Bản suy thoái rất sâu, theo thông tin từ báo chí Việt Nam, nhưng nước Nhật lại đang ào ào nhận hàng trăm ngàn tu nghiệp sinh Việt Nam? Đó là chưa kể đến một lượng lớn lao động người Việt đang làm việc tại Nhật với “visa kỹ sư”.

Một nguyên nhân rất quan trọng nữa mà báo chí Việt Nam vẫn lờ đi, đó là “Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ” được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành ngày 23/12/2021.

Đạo luật này cấm tất cả các đơn hàng sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Tân Cương, mà ngành dệt may Việt Nam lại sử dụng vải làm từ bông Tân Cương.

Hậu quả, tính đến cuối tháng 11/2023, Mỹ đã từ chối hơn 1.000 lô hàng của Việt Nam, trị giá 230 triệu USD, trong đó có một lượng lớn là hàng dệt may, liên quan lao động cưỡng bức Tân Cương, theo RFA đưa tin ngày 22/11/2023.

Bên cạnh đó, các nước phát triển là thị trường trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam, lại liên tục ra các luật định mới về xanh hóa, phát triển bền vững… khiến ngành dệt may càng điêu đứng. Những tiêu chuẩn này liên quan đến việc giảm thiểu phát thải Carbon, thẩm định chuỗi cung ứng, bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội. Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, cũng không thể làm được gì, mà phải do nhà nước thực hiện. Bởi giảm thiểu carbon liên quan lớn nhất đến nguồn điện, mà Việt Nam vẫn đang sử dụng điện than. Về việc bảo vệ lao động, chính quyền không cho phép thành lập nghiệp đoàn độc lập, thì khó có thể làm được.

Tóm lại, nếu chính quyền Việt Nam không chịu thay đổi cơ chế, thì Việt Nam sẽ bị đào thải khỏi nền kinh tế chung của thế giới. Bởi Việt Nam đang đi ngược với xu hướng chung, như: bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động và nhân quyền, phát triển bền vững…

 

Ý Nhi – thoibao.de

4.2.2024