Ngày 13/2, RFI Tiếng Việt có bài bình luận “Việt Nam vận động Hoa Kỳ cấp quy chế “kinh tế thị trường”’.
Theo đó, Hà Nội đã dành cả năm qua để tăng cường vận động hành lang, với mong muốn Washington nhanh chóng thay đổi các quy định về cáo buộc “bán phá giá” xuất khẩu, và điều chỉnh những quy định này cho gần sát hơn với các tiêu chí đã được đổi mới của Liên Hiệp Châu Âu. Đây là nhận định của trang thông tin Deutsch Well của Đức ngày 5/2.
RFI dẫn tin từ một quan chức Chính phủ Việt Nam giấu tên, cho biết, Hà Nội “rất mong muốn” chính quyền Biden thay đổi cách phân loại “nền kinh tế phi thị trường”, trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024.
Công cụ này chủ yếu cho phép đề ra các biện pháp đáp trả tình trạng “bán phá giá”, nghĩa là, giá xuất khẩu từ một nước bị xem là cố tình đặt thấp hơn giá trong nước, do đó, gây tổn hại cho các ngành công nghiệp ở nước nhập khẩu.
RFI cho biết, Washington sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá hành vi bán phá giá, ở các nền kinh tế thị trường và phi thị trường, trong đó, các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao hơn đáng kể.
Theo RFI, ngày 24/10/2023, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ tuyên bố sẽ xem xét lại việc phân loại nền kinh tế phi thị trường liên quan đến Việt Nam, và quyết định phải được đưa ra trong vòng 270 ngày, nghĩa là vào khoảng giữa tháng 7/2024.
Đối với nền kinh tế bị xếp vào danh sách phi thị trường, Hoa Kỳ xem xét giá trị của một sản phẩm Việt Nam, dựa trên giá trị của chúng ở một nước thứ ba (có nền kinh tế thị trường), và sau đó quy ra rằng, chi phí sản xuất này có thể áp dụng đối với một doanh nghiệp Việt Nam, thay vì là sử dụng các dữ liệu do chính doanh nghiệp đó cung cấp.
RFI nhắc lại phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Dũng, tại một Hội nghị do một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington tổ chức, hồi tháng trước. Theo đó, Đại sứ Dũng cho biết : “Tất nhiên, chúng tôi mong muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường của Mỹ”.
RFI cũng nhắc lại việc Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã thảo luận về vấn đề này với Bộ trưởng Thương Mại Mỹ – bà Gina Raimondo – trong một cuộc gặp ở Washington hồi tháng 9/2023.
RFI dẫn lời chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen, người phụ trách khu vực châu Á mới trỗi dậy tại Natixis, một chi nhánh của tập đoàn ngân hàng Pháp BPCE, nhận định : “Quy chế kinh tế thị trường giúp Việt Nam tránh được thuế chống bán phá giá của Mỹ, do vậy, nếu có được quy chế này, hàng hóa Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn”. Nữ chuyên gia này nói thêm : “Hoa Kỳ là một thị trường trọng điểm nên việc có được quy chế này sẽ giúp ích cho Việt Nam”.
Ở một khía cạnh khác, RFI cho hay, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm nay dường như cũng tạo thêm áp lực cho Việt Nam. Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu cho đề cử của đảng Cộng Hòa, đã tuyên bố ý định áp thuế 60% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông tái đắc cử – cao gấp 5 lần so với mức trung bình hiện tại – theo truyền thông Mỹ.
RFI cũng cho biết, trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Việt Nam về cáo buộc bán phá giá hàng hóa giá rẻ vào thị trường Mỹ, cũng như mức thặng dư to lớn của Việt Nam. Năm 2019, ông thậm chí còn mô tả Việt Nam là “kẻ lợi dụng tất cả mọi người một cách tồi tệ nhất”, ám chỉ tác động của việc xuất khẩu chi phí thấp đối với ngành công nghiệp nước Mỹ.
Quang Minh – thoibao.de
13.2.2024