“Kế hoạch nhỏ” phiền phức lớn tiền chui vào túi ai?
Cho đến nay, các trường Tiểu học và Trung học Cơ sở ở Việt Nam vẫn duy trì phong trào “kế hoạch nhỏ”, yêu cầu học sinh mang vỏ lon bia, nước ngọt, đồ nhựa, giấy vụn… để nộp cho nhà trường. Điều này đã gây phiền hà cho phụ huynh học sinh.
Theo giới quan sát, đây thực chất là việc tăng nguồn thu cho nhà trường, thay vì bắt phụ huynh đóng quỹ – điều đã bị đa số phụ huynh học sinh đề nghị bãi bỏ.
Báo Dân Việt ngày 23/2 đưa, “Phụ huynh Hà Nội bức xúc phải đi xin/mua vỏ lon bia, nước ngọt cho con nộp ở trường”. Bản tin cho biết, ngay sau khi con em đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, nhiều phụ huynh đã nhận được thông báo phải nộp vỏ lon bia, nước ngọt để trường gây quỹ.
Yêu cầu vừa kể của nhà trường, đã khiến nhiều phụ huynh phải nháo nhào, lùng sục khắp nhà, đăng lên mạng nhờ xin vỏ lon bia, nước ngọt, thậm chí phải ra cửa hàng đồng nát mua, để con nộp cho trường, tham gia cái gọi là “kế hoạch nhỏ”.
Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng, “Làm ơn để giáo viên và học sinh tập trung vào việc dạy và học, để phụ huynh tập trung kiếm tiền”, hay “xin hãy bỏ những “sáng kiến” không cần thiết như thế này đi”.
Ngoài ra, còn có không ít các ý kiến bất bình khi cho rằng, “học sinh đến trường đi học, tại sao thường xuyên phải đóng góp rất nhiều các khoản phế liệu như vỏ lon, giấy vụn, nhựa phế thải… như vậy?”
VnExpress trong bài viết “Kế hoạch nhỏ, phiền phức to”, đã mô tả một hình ảnh khá “hãi hùng” của môi trường giáo dục, vào ngày thu phế liệu của học sinh:
“Nguyên một khoảng sân trường rộng được tận dụng làm bãi chứa phế liệu theo đúng nghĩa đen. Từng nhóm phụ huynh mang theo những xấp giấy vụn, những bao vỏ, lon bia… mang vào nộp cho con để chạy chỉ tiêu.
Mỗi lớp cử ra một giáo viên ngồi nhận và cân giấy, đếm vỏ lon, đếm chai nước và ghi chép vào một cuốn sổ thống kê. Nhìn những gì đang diễn ra cho thấy, cả một khoảng sân trường giống như một vựa ve chai khổng lồ.”
Qua tìm hiểu, phóng viên của thoibao.de được biết, đây là chương trình do các trường phát động mang tính truyền thống, mang tên “phong trào kế hoạch nhỏ”. Phong trào này đã trở thành một tiêu chí thi đua bắt buộc dành cho giáo viên. Do đó, dù muốn hay không, các thầy cô cũng phải cố gắng để thực hiện, dù ai cũng thấy hết sức phiền toái.
Được biết, “phong trào kế hoạch nhỏ” ra đời từ năm 1958, cách đây 66 năm, do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức, với mục đích lấy kinh phí để xây dựng Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong tại Hải Phòng.
Nhưng, từ đó đến nay, Bộ Giáo dục vẫn lạm dụng, duy trì và phát triển phong trào này, cho rằng nó mang tính giáo dục đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Một phụ huynh học sinh từ Hải Phòng, đề nghị ẩn danh vì lý do an ninh, nói với thoibao.de:
“Tại sao nhà trường không đơn giản hóa, thay vì phải vẽ vời ra những điều phiền phức lớn cho cả phụ huynh và các thầy cô giáo như vậy? Mục đích cuối cùng của các nhà trường là tăng thu nhập, thì cứ vận động các cháu tự thu gom giấy báo, sách vở cũ trong nhà, nhờ cha mẹ bán, rồi nộp tiền cho nhà trường?”
Đồng thời, vị phụ huynh này cũng đưa ra một đề nghị, đó là, các nhà trường cần phải công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi, để phụ huynh được biết. Đây cũng là việc cần thiết trong vấn đề giáo dục cho học sinh về tính minh bạch.
Giới chuyên gia giáo dục và công luận thấy rằng, việc giáo dục ý thức tiết kiệm, tình yêu lao động, trách nhiệm đối với cộng đồng, thông qua đó giáo dục cho học sinh góp phần tham gia các hoạt động xã hội, là điều cần thiết.
Tuy nhiên, thay vì phong trào “kế hoạch nhỏ”, thu gom phế liệu đã qua sử dụng, là hình thức đã quá cũ, quá phiền hà cho phụ huynh và học sinh, đồng thời cũng tạo dư luận không tốt cho ngành. Ngành giáo dục nên tìm kiếm những hình thức phù hợp hơn, đa dạng hơn, cuốn hút học sinh hơn…
Đừng quên, lúc sinh thời, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với trẻ em, đơn giản chỉ là:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan.”./.
Trà My – Thoibao.de