Bàn thêm về ‘mô hình Đảng trị’ hiện nay
Ngày 29/2, blog Lê Quốc Quân trên VOA có bài “Bàn thêm về “mô hình Đảng trị” hiện nay”.
Đây là bài viết phân tích về mô hình chính trị Việt Nam hiện nay, khi Đảng Cộng sản sử dụng lõi “Đảng trị” để cai trị đất nước, nhưng lại “tráng men” bên ngoài bằng cả Đức trị và Pháp trị.
Tác giả cho biết, Đức trị gắn liền với Nho giáo, đứng đầu là Khổng Tử; còn Pháp trị có nguồn gốc từ trường phái Pháp gia Trung Quốc, đứng đầu là Hàn Phi.
Các học thuyết này đã được áp dụng, trở thành một phần trong cơ cấu xã hội và lối sống của người dân Trung Quốc và Việt Nam, trong suốt nhiều ngàn năm qua, cho nên, hiện nay xã hội vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc của nó.
Tác giả phân tích, về bản chất, học thuyết Pháp trị của Hàn Phi đang tiếp tục tham gia vào củng cố quyền uy của chế độ Cộng sản, bằng việc làm cho người ta sợ. Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực bằng cách đi giữa Mao và Đặng, nhặt nhạnh và kết hợp giữa Pháp gia và Nho gia, để xác định tính chính danh lãnh đạo của mình, hầu tạo ra một không không gian rộng hơn, quyền lực tuyệt đối hơn.
Điều đó, vừa đáp ứng được nhu cầu khát khao điều tốt của trường phái Đức trị, lại vừa tạo sự sợ hãi vừa đủ của những người theo Pháp gia. Bởi vậy, khi các nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình hay Nguyễn Phú Trọng lên tiếng nói về Đức trị, Pháp trị, và cả sự kết hợp 2 trường phái trong việc quản trị quốc gia, thì nhận được sự đồng vọng của một số đông dân chúng.
Theo tác giả, trong xã hội Pháp trị chuyên chế trung ương tập quyền, thì vua chính là luật pháp. Hàn Phi từng khẳng định, mệnh lệnh của vua là quan trọng nhất, và pháp luật không thể chu toàn cả công và tư.
Hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Cương lĩnh của Đảng là quan trọng nhất, đứng trên cả Hiến pháp. Ở Việt Nam và Trung Quốc đang có một “ông vua tập thể” là Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản. Tác giả tạm gọi là “vua Đảng”.
Đảng làm ra luật pháp, thực hiện luật pháp và giải thích luật pháp – công việc của cả 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tác giả nhắc đến các triết gia, các nhà tư tưởng lớn ở Thời kỳ Khai sáng, như John Locke, Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau… Nhờ họ mà thế giới đã dần dần chuyển sang một hình thức phát triển mới.
Các cuộc cách mạng cùng với Chủ nghĩa Tư bản ra đời, lật đổ chế độ phong kiến, và loài người đã bắt đầu theo đuổi các giá trị như tự do, bình đẳng, bác ái, với các mô hình quản trị Nhà nước tiên tiến.
Theo đó, sự thượng tôn của luật pháp dần dần được đề cao. Pháp luật đứng trên tất cả và mọi người thì đều bình đẳng trước pháp luật.
Tác giả tiếp tục phân tích, trong chế độ Cộng sản, mọi điều luật đều xuất phát từ các nghị quyết của Đảng. Những câu chữ trong cương lĩnh, điều lệ hoặc nghị quyết của Đảng, sẽ được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, từ Hiến pháp, luật, nghị định, thông tư và xuống tận các văn bản hành chính cấp xã.
Trong xã hội tự do, luật pháp “nương” theo luật tự nhiên. Luật tự nhiên bắt nguồn từ tuyên bố rõ ràng trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo hoá cho họ những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Các quyền đó là quyền tự nhiên của con người, là nền tảng tạo thành các văn bản quan trọng nhất của một quốc gia, nó ghi nhận nhân phẩm của con người là ngang nhau, bất luận họ là ai và xuất thân như thế nào, cũng từ đó, luật pháp quy định các hành vi ứng xử công bằng.
Tác giả cho rằng, trong khi Tam quyền phân lập là nguyên tắc cơ bản, là xương sống cho việc tổ chức quyền lực nhà nước tư sản, thì ở chế độ Cộng sản, quyền lực là tập trung và thống nhất trong Đảng Cộng sản. Đảng đứng ra “phân công, phân nhiệm, phối hợp và kiểm soát” các nhánh quyền này. Chỉ có Đảng mới thực sự là đại diện cho nhà nước, đặt ra pháp luật, thi hành và giải thích luật, loại hoàn toàn vai trò của dân ra ngoài.
Song song với việc nguỵ tạo ra một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng tiến hành tiến hành kiểm soát chặt chẽ tư tưởng và quyền tự do ngôn luận, quy hoạch báo chí, đẩy các nhà báo phải tự kiểm duyệt cao độ, lùng bắt và hạn chế tối đa tiếng nói bất đồng trên mọi không gian.
Giờ đây, khi dõi mắt nhìn một nhóm người co cụm trên tầng cao, một mặt theo Nho gia rao giảng đạo đức, mặt khác dùng Pháp gia để xử nhau quyết liệt, còn “thần dân” chỉ biết đứng ngoài cuộc, tiêu khiển qua ngày, tác giả dự cảm về một tương lai rất nhọc nhằn cho đất mẹ Việt Nam.
Ý Nhi – thoibao.de