Những lý do khiến người giàu Việt Nam bỏ tiền mua quốc tịch nước ngoài

Những lý do khiến người giàu Việt Nam bỏ tiền mua quốc tịch nước ngoài

Hộ chiếu Việt Nam hiện nay xếp thứ 92/199 trong bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu năm 2024. So với năm 2023, Việt Nam đã tụt 5 hạng.

Năm 2024, công dân Việt Nam không cần xin visa, có thể tới được 55 nước và vùng lãnh thổ. Trong khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu Việt Nam chỉ “quyền lực” hơn Lào và Myanmar.

BBC Tiếng Việt ngày 1/3 đặt câu hỏi, “Vì sao người giàu Việt Nam đổ tiền mua quốc tịch?”, trong đó, vấn đề quyền lực của hộ chiếu là một phần của câu trả lời.

Việc giới nhà giàu Việt Nam bỏ tiền mua quốc tịch không phải chuyện mới, cũng không phải chuyện chỉ có báo chí nước ngoài đề cập. Chỉ một cú nhấp chuột trên Google, có thể tìm thấy các bài viết như:

“Giới siêu giàu Việt Nam tăng nhanh, đầu tư định cư nước ngoài thành xu hướng”, đăng ngày 10/3/2022 trên báo Thanh Niên.

“Vì sao nhiều người Việt khá, giàu tìm cách di cư ra nước ngoài”, đăng ngày 26/7/2017 trên VOV.

Hay “Nhà giàu Việt đầu tư định cư nước ngoài”, đăng ngày 20/12/2017 trên VnExpress.

Vân vân và vân vân…

Theo đó, các báo liệt kê một loạt lý do khiến giới nhà giàu Việt Nam tìm đường ra đi khỏi đất nước, như: môi trường, giáo dục, y tế… Bài mới đây trên BBC đề cập đến một lý do khác, đó là “quyền lực của hộ chiếu”.

BBC cho rằng, với xếp hạng khá thấp, người cầm hộ chiếu Việt Nam thường gặp khó khăn trong vấn đề xin visa ở các quốc gia phát triển. Không những phải xin visa để nhập cảnh, đôi khi, các doanh nhân Việt Nam còn bị từ chối cấp visa vì những lý do ngớ ngẩn. Trong lúc, giới kinh doanh Việt Nam cần đi nhiều nơi, tiếp cận các thị trường mới.

Theo giới quan sát, việc người giàu ở Việt Nam, đa số là doanh nhân và kể cả các chính khách, bỏ tiền mua quốc tịch nước ngoài đã trở nên phổ biến, từ những năm đầu thập niên 2000.

Một cuộc điều tra của một hãng tin Ả rập, vào tháng 8/2020, cho biết, rất nhiều quan chức cấp cao trên thế giới và gia đình họ, đã mua “hộ chiếu vàng” của Đảo quốc Síp (Cyprus). Trong danh sách này có 26 người Việt, trong đó có vợ chồng Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và vợ chồng ông Phạm Nhật Vũ – em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Bản tin này nêu rõ, ông Phạm Phú Quốc là Đại biểu Quốc hội, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, là quan chức đã bỏ tiền để mua “hộ chiếu vàng” của Cyprus.

Chỉ một ngày sau khi “Hồ sơ Cyprus” bị tung ra, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, trong cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, vào ngày 25/8/2020, đã khẳng định rằng, ông có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018, và do gia đình bảo lãnh.

Ông Phạm Phú Quốc giải thích và quả quyết rằng, vợ và con của ông là doanh nhân, đã có quốc tịch Cyprus trước đó. Việc cáo buộc ông mua quốc tịch Cyprus 2,5 triệu USD là không chính xác.

Còn ông Phạm Nhật Vũ và vợ cũng có quốc tịch Cyprus từ ngày 6/5/2019. Đáng nói, đây là khoảng thời gian mà ông Vũ đang thụ án tù 3 năm vì tội đưa hối lộ, trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

Gần đây, ông Nguyễn Công Khế – cựu Tổng Biên tập Báo Thanh niên, trước khi bị bắt giam, cũng bị cáo buộc là có quốc tịch Mỹ cho cá nhân và toàn bộ gia đình. Hiện, gia đình ông Khế đang định cư tại Mỹ.

Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho biết, số người giàu ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Báo cáo của New World Wealth – Công ty tình báo tài sản toàn cầu của Nam Phi, cho biết, tính tới tháng 12/2023, Việt Nam có 6 tỷ phú, có 19.400 người sở hữu tài sản trên 1 triệu USD, và có 58 người có tài sản trên 100 triệu USD.

Tuy nhiên, vẫn theo giới thạo tin, có rất nhiều doanh nhân và chính khách Việt Nam đã lợi dụng việc nhiều quốc gia có chính sách cấp quốc tịch thông thoáng, để trục lợi và rửa tiền có được từ kinh doanh phạm pháp hay tham nhũng.

Công luận thấy rằng, giới quan chức Việt Nam có những mối quan hệ và làm ăn bất chính, nên thường sở hữu khối tài sản khổng lồ. Họ chắc chắn muốn có quốc tịch nước ngoài cho bản thân và thân nhân trong gia đình. Qua đó, họ có thể chuyển tài sản do tham nhũng mà có ra nước ngoài, và hợp pháp hóa nguồn tiền bẩn đó.

Việt Nam mang danh là quốc gia có nhiều luật, song lại toàn sử dụng luật rừng, như phát biểu của cựu Đại biểu Quốc hội Ngô Bá Thành. Đó cũng là lý do, vì sao, việc khai báo tài sản đối với quan chức không được thực hiện một cách chặt chẽ.

Theo Khoản 1a, Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, đã quy định rõ, “Đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Vậy, tại sao, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus, mà không bị xử lý?/.

 

Trà My – Thoibao.de