Việt Nam: Một nền chính trị hoạt động như hội kín

Ngày 20/3, blog Lê Quốc Quân trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Tin đồn, tự do báo chí và cải tổ chính trị”.

Tác giả nhắc lại tin đồn về việc Chủ tịch nước “ngã ngựa”, và những diễn biến trên chính trường đủ để người dân khẳng định tin đồn là đúng, với đỉnh điểm là thông tin về cuộc họp bất thường của Quốc hội Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21/3.

Tác giả nhận định, khi tin đồn càng ngày càng trở nên ồn ào hơn, và có vẻ “chính thống” hơn, thì người dân tự hỏi: Nhà báo đang ở đâu lúc này?

Thưa, họ vẫn ở đó, đầy thao thức và nhiệt huyết của những người làm báo, nhưng họ đang bị (hoặc tự) “bịt miệng”.

Tác giả phân tích, trong một xã hội độc tài toàn trị, Đảng cầm quyền luôn mong muốn thống lĩnh niềm tin của dân chúng để dễ bề cai trị, và truyền thông là lối dẫn quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến trí não và nhận thức của người dân. Do đó, Đảng phải triệt để nắm giữ phương tiện quan trọng này.

Điều này đã được luật hoá bằng những nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ… Và phóng viên không chỉ bị khống chế tư tưởng tại văn phòng, mà còn bị ràng buộc bởi Bộ “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”.

Do đó, tác giả bình luận, không bất ngờ khi thấy hàng loạt nhà báo chỉ đưa tin bóng gió đủ kiểu về một vấn đề, từ hình ảnh phi ngựa bị ngã, cho đến hiện tượng “hai mặt trời”, cầu thủ bóng đá, đặc sản quê hương và bói toán… hoặc “quăng tin” với những tính từ với mập mờ, nước đôi.

Tác giả khẳng định, tự do ngôn luận là một nhân quyền. Nó gắn liền với việc tự do tìm kiếm, tiếp nhật và truyền đạt thông tin của con người. Hầu hết các quốc gia đều ghi nhận quyền tự do ngôn luận. Hiến pháp Việt Nam cũng công nhận quyền này tại Điều 25.

Luật Báo chí Việt Nam cũng có điều khoản quy định về các quyền “Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí” của công dân.

Thế nhưng, theo tác giả, hầu hết các tờ báo Việt Nam đều im lặng trước những thông tin rất quan trọng, thu hút sự chú ý của toàn dân. Khi nhân dân lên tiếng, thì báo chí lại trích lời của Tổng Bí thư, và coi là: ‘“xuyên tạc, tung tin”, tác động, chia rẽ nội bộ, hòng phá hoại công tác nhân sự của Đảng”. Nhiều người đã phải chịu án tù hoặc bị phạt hành chính vì thực hành quyền tự do ngôn luận này.

Tác giả nhận xét, một điều rất lạ kỳ là, hầu hết các tin tức quan trọng về Việt Nam đều được báo chí quốc tế lên tiếng trước. Nghĩa là, ở Việt Nam, chính sự “bịt miệng” đã đẩy những tin tức đi xa hơn, vì sợ Đảng mà cố gắng chạy “đường vòng”, xa hơn và phi chính thống hơn. Như vậy, nhân quyền trong nước đã thua xa Đảng quyền.

Vẫn theo tác giả, chuyện “thay ngựa” giữa dòng thể hiện quyền uy tuyệt đối của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, nhưng cũng là lời tố cáo mạnh mẽ về tính chính danh của Nhà nước và giá trị lá phiếu bầu nên Quốc hội.

Rõ ràng, một người đại diện cho cả 100 triệu dân theo Hiến pháp, có thể bị một nhóm người yêu cầu “rút lui”, mà vẫn là “Nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình…”. Đây là việc tước bỏ quyền lực của người dân đã trao cho Quốc hội định đoạt. Quốc hội đã “theo đuôi” ai đó để đi ngược lại ý nguyện của nhân dân, hoặc phản bội lại chính quyết định của mình, trong một thời gian rất ngắn.

Tác giả đánh giá, trong một thể chế mờ ảo, mơ hồ về nguồn tin, chỉ có nội bộ Đảng xử lý với nhau, thì thật sự khó có thể phân tích tỏ tường. Nhưng qua những biểu hiện này, chúng ta thấy, chế độ độc tài toàn trị nhìn bề ngoài tưởng như vững chắc, nhưng luôn có những xáo trộn nội bộ rất lớn bên trong, và khủng hoảng có thể đến bất cứ lúc nào nếu người đang nắm giữ quyền lực qua đời.

Tác giả kết luận, trong sự phát triển của công nghệ và truyền thông như hiện nay, thật khó có thể tưởng tượng vẫn còn có những nền chính trị hoạt động tù mù như một hội kín.

Điều này chắc chắn sớm muộn cũng sẽ phải thay đổi, bằng một cuộc cải tổ chính trị thực sự.

Việt Nam: Một nền chính trị hoạt động như “Hội Tam Hoàng”

Minh Vũ – thoibao.de