Lý do Tô trở thành “con ngựa bất kham”

Đảng Cộng sản dùng Bộ Công an làm lá chắn để bảo vệ chế độ, và cho họ được hưởng những đặc quyền đặc lợi. Đặc quyền lớn nhất mà Đảng trao cho Bộ trưởng Bộ Công an, là quyền bổ nhiệm và thuyên chuyển các giám đốc công an tỉnh. Ở các bộ khác, bộ trưởng không có quyền bổ nhiệm giám đốc sở, mà quyền này thuộc về chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh.

Với đặc quyền này, các giám đốc sở công an các tỉnh không thuộc ê kíp của lãnh đạo tỉnh, mà là tai mắt của Tô Lâm. Với 63 tỉnh thành, Tô Lâm có 63 tay chân để theo dõi chính quyền tỉnh, thay cho Tô Lâm. Đây được xem là “kho báu” thông tin mà Tô Lâm có được. Những thông tin này chính là những thòng lọng, dùng để sai khiến các uỷ viên Trung ương Đảng, đang là lãnh đạo các tỉnh.

Ngoài Bộ Công an, trong tay ông Trọng còn có Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú đứng đầu. Uỷ ban này là một cơ quan thuộc Trung ương Đảng, chuyên đi điều tra sai phạm của các quan chức, từ Trung ương đến địa phương, sau đó lên danh sách để trình Bộ Chính trị xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, Ủy ban này không có nghiệp vụ tốt như bên công an, đồng thời cũng không đủ nhân lực để phủ sóng khắp mọi ngóc ngách của các địa phương trên cả nước.

Đó là lý do vì sao, trong vụ Võ Văn Thưởng, ông Trần Cẩm Tú bị Tô Lâm “xỏ mũi” dắt đi. Nguyên nhân là sai phạm của ông Thưởng từ khi còn làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi đã được ông Tô Lâm điều tra rất kỹ, có hồ sơ lưu lại chi tiết. Trong khi đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương không có hồ sơ, không rõ là do vô tình hay cố ý mà đã bỏ sót.

Tô Lâm lâu nay vẫn xem Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ là 2 đối thủ. Phạm Minh Chính vốn là đối thủ khó chơi đối với Tô Lâm, từ khi ông Chính còn làm trong Bộ Công an. Giờ đây, ông Chính cũng là đối thủ của Tô Lâm khi cùng nhắm đến ghế Tổng Bí thư khoá 14.

Ông Vương Đình Huệ bị Tô Lâm xem là đối thủ, vì ông Huệ cũng nhắm đến ghế Tổng Bí thư. Đặc biệt, ông Huệ lại được ông Trọng “chọn mặt gửi vàng”. Rất có thể, đến Đại hội 14, ông Trọng sẽ giới thiệu ông Vương Đình Huệ mà không giới thiệu Tô Lâm.

Mục đích của ông Tô Lâm khi thuyên chuyển ông Đinh Văn Nơi về Quảng Ninh, là để đánh vào “ổ” của ông Phạm Minh Chính. Bởi nhóm lợi ích Quảng Ninh chủ yếu là đàn em của ông Chính, do ông gầy dựng lên. Tất nhiên, những người này cũng chẳng ưa gì Đinh Văn Nơi, bởi họ hiểu, Đinh Văn Nơi đến Quảng Ninh là để soi những sai phạm của họ.

Ngày 7/12/2023, kỳ họp thứ 16 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 27 người giữ các chức danh do Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu. Ông Đinh Văn Nơi lọt vào số người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất trong 27 người trên. Ngoài ông Đinh Văn Nơi, còn có ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Sở Văn hóa; và bà Bùi Thị Hương – Trưởng ban Kinh tế ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh, có cùng 8/61 phiếu “tín nhiệm thấp”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, và ông Cao Tường Huy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, cùng đạt 61/61 (tỉ lệ 100%) số phiếu “tín nhiệm cao”.

Điều này cho thấy, cả bộ máy chính quyền tỉnh Quảng Ninh, không ai ưa ông Đinh Văn Nơi, vì ông này là tay chân của Tô Lâm đến để soi xét họ.

Ông Nơi chỉ là trường hợp điển hình, còn 62 Giám đốc Công an tỉnh khác, hầu hết cũng là tay chân của Tô Lâm. Đây là đặc quyền mà Tô Lâm có được từ sự nuông chiều của Đảng Cộng sản, và tất nhiên, Tô Lâm đã tận dụng nó tối đa.

Ngoài đặc quyền như thế, Bộ Công an của Tô Lâm cũng được Trung ương duyệt chi ngân sách khổng lồ, đến trên 100 ngàn tỷ, gấp 16 lần ngân sách cho Bộ Y tế, và gấp 15 lần ngân sách cho Bộ Giáo dục. Đây là lợi thế lớn của Tô Lâm trên con đường giành ghế Tổng Bí thư. Khi Tô Lâm nắm trong tay “phốt” của 63 bí thư tỉnh, cũng là 63 uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, thì dễ dàng đạt được đa số phiếu trong cuộc bầu chọn Tổng Bí thư ở Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong kỳ Đại hội 14.

 

Thái Hà – Thoibao.de