Ngày 10/4, BBC Tiếng Việt cho biết “Ông Hun Sen kịch liệt bác bỏ khả năng kênh đào Phù Nam Techo và Ream phục vụ hải quan Trung Quốc”.
Theo đó, cựu Thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng gay gắt, liên quan đến những nhận định về khả năng nước này đang mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự, thông qua căn cứ Ream và dự án kênh đào Phù Nam Techo.
BBC cho hay, ông Hun Sen gọi những ý kiến cho rằng, dự án kênh đào Phù Nam Techo có thể bị biến thành tuyến giao thông quân sự để hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam là “vu khống” và “bịa đặt”.
Ông Hun Sen tiếp tục khẳng định, Campuchia và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng tốt, hợp tác tốt trong mọi lĩnh vực.
Theo BBC, trong bài viết đăng trên trang Facebook chính thức hôm 9/4, ông Hun Sen nhấn mạnh, việc có một căn cứ cho lực lượng quân sự của Trung Quốc đồn trú ngay trên lãnh thổ Campuchia, là đi ngược lại với hiến pháp của quốc gia này.
BBC dẫn báo Khmer Times ngày 10/4, cho rằng, những tuyên bố cũng ông Hun Sen trên Facebook nhằm đáp trả một bài viết do báo Straits Times của Singapore đăng tải hôm 9/4.
Bài viết trên Straits Times dẫn một ý chính từ bài báo “Dự án kênh đào Funan Techo lợi ích và hệ lụy” của hai tác giả Đình Thiện và Thanh Minh, được đăng trên Tạp chí Phương Đông, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, số 63 tháng 3/2024.
Trong khi đó, BBC cũng cho hay, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, được thành lập năm 2001, có trụ sở tại Sài Gòn và chi nhánh tại Hà Nội.
Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông là Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam.
Từ đó, có thể hiểu, bài viết về dự án kênh đào Phù Nam Techo được đăng tải trên Tạp chí Phương Đông, ít nhiều phản ánh góc nhìn và mối bận tâm của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, chỉ trích của ông Hun Sen gián tiếp nhằm vào bài báo của Việt Nam.
Cụ thể, BBC dẫn nội dung bài viết trên, nói về khả năng “lưỡng dụng” của kênh đào Phù Nam-Techo, tức là có thể vừa mang mục đích kinh tế – xã hội, vừa quân sự.
“Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này,” theo nội dung bài viết.
Điều nực cười là, vẫn theo BBC, ông Hun Sen nêu trong tuyên bố trên Facebook là, kênh đào Phù Nam Techo không có tác động đối với dòng chảy của sông Mekong, vì không kết nối trực tiếp đối với sông Mekong mà là con sông Bassac.
Trong khi, sông Bassac là là một phân lưu của sông Mekong chảy qua địa phận Campuchia.
Ông Hun Sen tiếp tục khẳng định, dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ tuân theo Hiệp định sông Mekong 1995.
“Hãy vui lòng hỏi Ủy hội sông Mekong (MRC) bởi vì chúng tôi đã thông báo cho MRC….”
Trong khi đó, Ủy hội sông Mekong ngày 10/4 chia sẻ với BBC rằng, họ vẫn chưa nhận được nghiên cứu khả thi của Campuchia.
BBC tiếp tục cho biết, liên quan đến những thông tin Trung Quốc có thể nắm quyền tiếp cận độc quyền đối căn cứ quân sự Ream, nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chỉ khoảng 30 km, Bộ Quốc phòng Campuchia thường xuyên bác bỏ, nhấn mạnh Điều 53 của Hiến pháp có nội dung ngăn cấm Campuchia cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, các tuyên bố của ông Hun Sen và ông Hun Manet không khiến các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ, và cả Việt Nam, bớt đi quan ngại về khả năng Ream có thể trở thành một tiền đồn nước ngoài của Trung Quốc.
BBC lấy dẫn chứng về việc đã có ít nhất 2 tàu chiến Trung Quốc xuất hiện tại căn cứ quân sự Ream của Campuchia, lần gần nhất là vào ngày 20/3.
Một số chuyên gia nhận định bước đầu với BBC về Ream, nếu Trung Quốc có thể tiếp cận hoặc thiết lập cơ sở hạ tầng tại căn cứ quân sự này, Bắc Kinh sẽ tiến hành do thám dễ dàng các nước lân cận Campuchia gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines.
Và quan trọng hơn, trong kịch bản Trung Quốc tiếp cận độc quyền được Ream, Việt Nam sẽ bị lập thế bao vây 3 mũi, gồm từ biên giới phía bắc, từ Biển Đông với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc, và vùng biển Tây Nam.
Minh Vũ – thoibao.de