Thông tin bắt Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Thuận An Group, đã tràn lan trên mạng, nhưng báo chí chính thống thì vẫn chưa hé răng. Đối với báo chí chính thống, không biết ông chủ hiện nay của họ là Ban Tuyên giáo hay Bộ Công an. Trước đây, báo chí tuân theo mọi chỉ thị của Ban Tuyên giáo, nhưng nay, có vẻ như báo chí chỉ dám loan tin sau khi ông Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an đã lên tiếng.
Việc hốt Tập đoàn Phúc Sơn rồi sau đó “bắt sống” lãnh đạo các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, mà không chờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật Đảng công bố trước, cho thấy, Tô Lâm đã vượt rào. Rào cản đó chính là quy trình xử lý cán bộ do Tổng Trọng đặt ra. Như vậy, một khi Tô Lâm vượt qua được rào cản này, thì ông chính là người làm chủ cuộc chơi.
Một nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết, hiện nay, Tô Lâm đã tạm giam em trai của ông Vương Đình Huệ. Nếu đây là sự thật, thì có thể nói, người nhà của ông Vương Đình Huệ đang là con tin nằm trong tay Tô Lâm.
Khi vượt qua rào cản quy trình xử lý kỷ luật, sức mạnh của Tô Lâm là 1, thì khi chiếm được quyền điều khiển báo chí, sức mạnh của Tô Lâm được tăng lên gấp bội. Có khả năng, Tô Lâm bắt giữ em trai của Vương Đình Huệ để gây áp lực, buộc đối thủ là rút khỏi cuộc đua. Bởi việc bắt giữ chưa được công khai trên báo chí, nên Tô Lâm hoàn toàn có thể giam giữ hoặc thả ra. Mọi chuyện đều trong ý muốn của ông Bộ trưởng.
Nếu ông Huệ làm căng, thì rất có thể, Tô Lâm sẽ tung tin vụ bắt giữ nói trên lên báo chí, thì lúc đó, không thể dàn xếp trong bóng tối được nữa. Hiện Tô Lâm đã điều khiển được cả báo chí. Nếu Vương Đình Huệ không cân nhắc kỹ, có thể dính đòn nặng.
Lâu nay, ông Vương Đình Huệ được Tổng Trọng rào chắn và bảo vệ. Nhưng giờ đây, ông Tổng không còn đủ quyền uy như trước nữa, buộc lòng, Vương Đình Huệ phải ra mặt, tự lo cho số phận của mình, thay vì nằm im đợi ông Tổng sắp xếp.
Chuyến đi đến Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ, đã mang đến cho Trung Quốc cơ hội mở rộng đại dự án “Vành đai con đường”, với đề nghị xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, nối Việt Nam với Trung Quốc. Đây là món quà lớn mà ông Huệ dâng lên cho Tập. Liệu món quà này có đổi được sự ủng hộ của Tập Cận Bình hay không, thì phải chờ thời gian để biết kết quả. Bởi những thỏa thuận này không công khai, người dân chỉ có thể suy đoán thông qua hành động.
Việc cầu viện thiên triều không phải là lợi thế tuyệt đối của Vương Đình Huệ, mà đây cũng là chiêu bài ông Tô Lâm đã áp dụng từ tháng 9/2023. Ông Huệ chỉ có lợi thế hơn Tô Lâm ở chỗ, ông được gặp trực tiếp ông Tập Cận Bình. Còn Tô Lâm thì chỉ gặp những người đại diện cho Tập Cận Bình, chứ không được gặp trực tiếp. Không biết, giữa Tô Lâm và Vương Đình Huệ, ai đã mang lại cho Tập Cận Bình lợi ích nhiều hơn.
Ở trong nước, ông Huệ bám vào lợi thế số đông trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, bên ngoài Bộ Chính trị thì Tô Lâm lại tỏ ra vượt trội hơn, khi ông cho bắt một loạt uỷ viên Trung ương Đảng, mà không thông qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật trước. Uỷ ban này là vũ khí kiểm soát Trung ương Đảng, bởi quan chức Cộng sản không ai mà không dính phốt.
Tô Lâm đang đánh mạnh vào doanh nghiệp sân sau và người nhà của ông Huệ, hy vọng ông chủ động rút khỏi cuộc đua. Nếu ông Huệ không chịu rút, mà quyết đối đầu, thì có lẽ, lúc đó, Tô Lâm sẽ đánh cho ông Huệ nhào khỏi ghế, như Võ Văn Thưởng.
Giờ đây, Tô Lâm đang nổi lên là một người manh động và đầy toan tính. Nếu ông Huệ quyết “ăn thua đủ” với Tô Lâm, thì có lẽ, thời gian tới sẽ có nhiều cảnh quay hấp dẫn của bộ phim “bom tấn” chấn động nhất từ xưa đến nay.
Vừa nắm quyền “bắt sống”, vừa nắm quyền điều khiển báo chí, Tô Lâm đang có trong tay 2 thứ vũ khí vô cùng lợi hại. Nếu không cẩn thận, Vương Đình Huệ có thể bị nhào dưới tay Tô Lâm.
Hoàng Phúc – Thoibao.de