Cần chấm dứt độc quyền vàng miếng mới chấm dứt được tình trạng chênh lệch giá so với thế giới

Ngày 16/4, RFA Tiếng Việt bình luận “Vì sao Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu vàng miếng SJC trở lại sau 11 năm?”

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước hôm 15/4 đã công bố thông tin trên trang chủ, cho biết, đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại, với lý do để tăng nguồn cung cho thị trường. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

RFA dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, hôm 12/4, đăng trên trang chủ của cơ quan này, cho biết, Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu vàng miếng là một phương án can thiệp để ổn định thị trường vàng. Theo ông Hà, việc tăng cung vàng miếng nhằm xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới.

RFA dẫn trang Việt Nam Plus, đến ngày 15/4, giá vàng miếng SJC trong nước đã vượt mốc 85 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới gần 14 triệu đồng/lượng.

RFA dẫn lời giải thích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002. Ông Doanh cho rằng:

Việt Nam có dự trữ ngoại tệ lớn hơn nhiều và việc xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đã tăng lên rất cao… vì vậy, việc bảo đảm tỷ giá cân bằng, tránh biến động quá lớn là cần thiết. Cho nên Ngân hàng Nhà nước đã tham gia một cách tích cực, can thiệp trực tiếp để giữ cân đối cung cầu trên thị trường vàng, cũng như bảo đảm diễn biến một cách lành mạnh của thị trường ngoại hối, điều này rất cần thiết để bảo đảm xuất nhập khẩu và cân đối vĩ mô của Việt Nam tiếp tục giữ được ổn định.”

RFA cũng dẫn nhận xét của Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, cho rằng, đấu thầu vàng để tăng nguồn cung để bình ổn là hơi khó:

Nếu làm nó phải là một quá trình, thực tế, trên thế giới không có một Ngân hàng Nhà nước nào lại nhập nguyên liệu về đúc vàng, sản xuất vàng, và cung ứng đem ra đấu giá để cân đối cung cầu.”

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, được RFA dẫn lời, thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên chấm dứt tình trạng độc quyền nhập và phân phối vàng như hiện nay.

Khi các rủi ro chính trị trên thế giới diễn ra một cách thường xuyên như gần đây, theo Tiến sĩ Vũ, nhu cầu giữ vàng như một công cụ để tích trữ tài sản gia tăng. Rủi ro chính trị càng tăng dẫn đến giá vàng tăng theo khi nhu cầu mua vàng tăng lên. Giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước tăng lên. Ông Vũ nói tiếp:

“Với người Việt Nam, vàng đã là một công cụ tích trữ tài sản từ rất lâu. Ám ảnh bởi sự hỗn loạn của các thay đổi chính trị hay các chính sách kinh tế thất bại, người dân có xu hướng tự tích luỹ tài sản để phòng thân. Vàng vì vậy luôn là một tài sản thân thiết của người dân.”

“Việc độc quyền nhập vàng của chính quyền, chỉ giúp làm giàu cho những cán bộ quản lý việc phân phối vàng ở các cơ quan chính quyền. Việc hạn chế nhập vàng cũng làm giàu cho những tổ chức và cá nhân nhập lậu vàng, mà trong đó, có sự liên quan của những quan chức hải quan.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, độc quyền không bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, có thể dẫn đến rối loạn thị trường:

Vì vậy cần có biện pháp kiểm soát độc quyền trong kinh tế thị trường, bất kể là vàng hay cả các hoạt động độc quyền khác. Việt Nam hiện nay cũng bắt đầu có năng lực kiểm soát diễn biến và hoạt động của các công ty độc quyền của Việt Nam.”

“Theo tôi diễn biến cho đấu thầu vàng không liên quan trực tiếp đến tham nhũng. Mà nó liên quan trực tiếp đến tỷ giá và diễn biến của ngoại tệ. Hiện nay đang có khoản chênh lệch nhất định giữa tỷ giá của thị trường chợ đen”, ông Doanh cho biết thêm.

 

Thu Phương – thoibao.de