Liệu ông Huệ có phải chịu “trách nhiệm đứng đầu”?

Ngày 23/4, RFA Tiếng Việt bình luận “Quy định chịu trách nhiệm về sai phạm của cấp dưới có áp dụng cho ông Vương Đình Huệ?”

Về vấn đề này, RFA dẫn quan điểm của Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho rằng:

“Ông Vương Đình Huệ phải chịu trách nhiệm là lẽ tất nhiên. Nhưng về phương diện pháp lý, trách nhiệm và xử lý đến mức độ nào còn tùy thuộc vào kết quả điều tra vụ án.

Nếu ông Vương Đình Huệ cũng có hành vi trục lợi, nhận hối lộ, tương tự ông Phạm Thái Hà, thì ông ấy phải chịu xử lý về trách nhiệm hình sự.”

Trong trường hợp ông Huệ không có hành vi trục lợi, nhận hối lộ, theo Luật sư Mạnh, thì dĩ nhiên, ông ấy được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm “người đứng đầu”, theo Điều 7 của Quy định số 41 của Bộ Chính trị, ban hành năm 2019, về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Tuy nhiên, RFA dẫn nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Đài, cho rằng, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, luật pháp hay Điều lệ Đảng không phải để tạo ra một sự bình đẳng, mà nó là công cụ của kẻ mạnh để trấn áp người yếu thế hơn:

Nếu anh đang nắm quyền thì tất cả những thứ kia đều là công cụ của anh, dùng để trừng phạt đối thủ của mình. Nếu anh yếu thế, thì anh sẽ bị những công cụ đó đè bẹp anh.

Ông Đài cũng cho rằng, sai phạm của ông Huệ rất rõ ràng, khi người cấp dưới trực tiếp, đã theo ông 18 năm, dính vào các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên:

“Bây giờ nó tùy thuộc vào cán cân quyền lực giữa ông Vương Đình Huệ với nhóm người muốn hạ bệ ông ấy. Nếu ông Vương Đình Huệ được những thế lực của ông ta bảo v, thì ông ta có thể đứng vững, bất chấp những vi phạm của ông ta đã được phơi bày.

Nếu như thế lực của ông Vương Đình Huệ không đủ mạnh, thì chắc chắn, ông ta buộc phải nghỉ hưu trong thời gian tới.”

Trong trường hợp nếu ông Vương Đình Huệ mất chức, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, thì điều đó không ảnh hưởng nhiều đến các chính sách của Việt Nam:

“Thậm chí, điều này cũng không làm thay đổi gì đến tình trạng bổ nhiệm các quan chức bất tài và vô đạo đức vào các chức vụ cao cấp. Vì lẽ, một khi chế độ còn duy trì sự độc tài về quyền lực chính trị mà không bị kiểm soát, kìm chế… thì khi đó, tệ nạn tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành tàn phá đất nước.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định, Việt Nam vẫn cố gắng tự quảng bá mình là một đất nước hoà bình, ổn định về kinh tế và chính trị. Vì vậy, việc các lãnh đạo trong Tứ trụ mất chức trong thời gian ngắn, có thể là cú sốc cho chính trị Việt Nam:

Nếu ổn định về chính trị thì mới thu hút về đầu tư được, nhưng trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam thực sự bị lâm vào khủng hoảng chính trị.

Trong thời gian tới thì không phải là khủng hoảng chính trị bình thường nữa mà nó ở mức rất nghiêm trọng.”

Ông Đài đánh giá:

“Tất cả những chính sách bị thay đổi rất nhiều, đặc biệt là, nếu theo dõi chuyến đi của ông Vương Đình Huệ sang Bắc Kinh, từ ngày mùng 7 đến 12/4 vừa rồi, thì đã đạt được rất nhiều thỏa thuận về kinh tế, như kết nối đường sắt cao tốc Hà Nội – Lào Cai với Trung Quốc, và rất nhiều những thỏa thuận khác.

Tất nhiên, những gì mà ông Huệ đã đạt được với Trung Quốc trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, thì sẽ bị xáo trộn. Bởi vì, nếu người khác lên, họ sẽ có quan điểm và cách làm khác.”

RFA cho biết thêm, theo Bộ Công an Việt Nam, ông Phạm Thái Hà – Trợ lý Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, bị bắt vào ngày 21/4, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo Điều 358 Bộ luật Hình sự, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

 

Xuân Hưng – thoibao.de