Các nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thua kém so với Singapore

Ngày 26/5, RFA Tiếng Việt có bài: “Vì sao năng suất lao động trong doanh nghiệp Việt chỉ bằng 30% Singapore?”

Theo RFA, truyền thông trong nước đã đưa tin về diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia, sáng 26/5. Trong đó, đề cập đến nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh – Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương.

Theo đó, năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ bằng khoảng 30% Singapore. Thậm chí, năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước, và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI.

Trang ilo.org của tổ chức lao động quốc tế đánh giá, năng suất lao động là một chỉ số quan trọng phản ánh khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia so với nguồn lực lao động được sử dụng.

Trong trường hợp của Việt Nam, năng suất lao động trong các doanh nghiệp chỉ bằng khoảng 30% so với Singapore, điều này có thể được giải thích qua nhiều yếu tố.

Singapore có một nền kinh tế phát triển, tập trung vào các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ cao cấp như tài chính và bảo hiểm. Trong khi đó, theo trang fireant.vn, Việt Nam vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, nơi năng suất lao động thường thấp hơn.

Cũng theo ilo.org, Singapore đầu tư nhiều vào công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi Việt Nam có thể chưa theo kịp về mặt này. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cải thiện năng suất lao động, do thiếu vắng các công nghệ hiện đại và kỹ năng chuyên môn cao.

Hơn nữa, một chính sách tiền lương hiệu quả có thể tạo động lực cho người lao động nâng cao tay nghề và năng suất. Tuy nhiên, mặt bằng tiền lương của người lao động Việt Nam đang ở mức rất thấp.

Ngoài ra, vẫn theo ilo.org, môi trường kinh doanh và cách thức quản lý doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Singapore có một môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả, trong khi Việt Nam cần cải thiện hơn nữa trong lĩnh vực này.

RFA cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD, theo ngang giá sức mua PPP là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia…

RFA dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cho rằng, nếu nhìn con số thống kê của WB, thì năng suất lao động Việt Nam thấp, do cơ cấu nền kinh tế phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình. Số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022.

Dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14%, và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP).

Tương ứng với việc tạo ra 60% GDP, năng suất lao động của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra là 53.582 USD/lao động.

Để không thua sút các nước trong vùng, theo Tiến sĩ Tú Anh, một trong những giải pháp là Việt Nam cần thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả. Thực tế, nếu tiền lương thấp sẽ tạo hiệu ứng ngược, người lao động không có động lực nâng cao tay nghề, vì giá trị của việc nâng cao tay nghề không tương xứng.

Tuy nhiên, ngược lại, Tiến sĩ Tú Anh nói, nếu tăng tiền lương tối thiểu quá nhanh, có thể làm “chùn” ý nhà đầu tư. Do đó, trong vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ doanh nghiệp, công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra lợi ích chung.

Bên cạnh đó, RFA dẫn quan điểm của Tiến sĩ Phạm Thu Lan – Viện Công nhân công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức công đoàn tại Hội nghị đưa ra kiến nghị, mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia, trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất.

Vẫn theo RFA, từ những kiến nghị trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan ban ngành ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng – coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục dạy nghề và chăm lo cho đời sống người lao động…

 

Xuân Hưng – Thoibao.de