Người Việt có câu, “kẻ gieo gió thì tất gặt bão”, hay “chơi dao sẽ có ngày đứt tay”. Điều này không chỉ ứng với Chủ tịch nước Tô Lâm, mà cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với tham vọng trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, để thống trị và tập trung quyền bính trong tay, song với sự nhìn nhận và đánh giá tình hình thiếu chính xác, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã liên tiếp đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Việc lạm dụng quyền lực của người đứng đầu Bộ Công an, khiến các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng cũng phải khiếp sợ. Đây là một trong những lý do, đa số các uỷ viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, cũng như đa số các uỷ viên Trung ương, tuy bề ngoài sợ sệt, nhưng lại không phục Tô Lâm.
Đằng sau lưng Tô Lâm, họ đã liên kết thành một liên minh, “chống lại” và tìm cách “bứng” ông ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an đầy quyền lực. Đó là lý do vì sao, giới phân tích quốc tế đánh giá, ông Tô Lâm có sức mạnh thực sự, nhưng ngược lại, không có sức mạnh của phe cánh.
Với khối tàng thư dữ liệu Big Data, các dấu vết nhúng chàm của tất cả các lãnh đạo Việt Nam ở mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương tới địa phương, khi cần, Tô Lâm có thể chỉ đạo ngành Công an, để loại bỏ bất kỳ ai, ở bất kỳ cương vị nào, trong tích tắc.
Nhưng với việc chỉ nắm vỏn vẹn số phiếu của 5 uỷ viên Trung ương, trong đó, có duy nhất 1 phiếu của Ủy viên Bộ Chính trị, phe cánh của ông Tô Lâm phải chịu thất bại sớm, theo nguyên tắc Tập trung Dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các bài học từ các cựu “Tứ trụ”, như cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hay cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đến lúc cần đánh gục, Bộ Công an lập tức đưa ra các bằng chứng không thể chối cãi. Hai ông Thưởng và Huệ, dù là những nhân vật thân cận với Tổng Bí thư, thì cũng dễ dàng bị hạ bệ.
Đó là lý do vì sao, khi Bộ trưởng Tô Lâm có những dấu hiệu lạm quyền, lợi dụng sự tin tưởng của Tổng Bí thư, để thực hiện một “kế hoạch đảo chính không tiếng súng” một cách công khai, khiến Tổng Trọng cũng phải hết sức bất ngờ, thậm chí là trở tay không kịp.
Công luận cho rằng, vào thời điểm đó, không có gì có thể đảm bảo, các vết nhúng chàm tày đình mà ông Nguyễn Phú Trọng phạm phải, trong thời gian giữ chức Bí thư Hà Nội, với số tiền hàng triệu đô la nhận hối lộ từ Tập đoàn Ciputra của Indonesia, vào đầu những năm 2000. Đây là vụ án đã gây thiệt hại cho ngân sách hơn 3.000 tỷ, mà Bộ Công an, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã yêu cầu Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng điều tra, nhưng còn dang dở.
Nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, Tổng Trọng cũng cần phải thực sự nghiêm túc đánh giá, để nêu gương cho các lãnh đạo cấp dưới. Sự tùy tiện trong việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, cũng như Điều lệ Đảng của ông, đã tạo nên một tấm gương xấu cho cấp dưới noi theo.
Một khi “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, sự nổi loạn của ông Tô Lâm đã cho thấy, ông Trọng có phần trách nhiệm không nhỏ?
Cũng phải kể đến sự dung túng và nuông chiều của Tổng Trọng đối với Bộ Công an, khi ông đặt niềm tin quá lớn, và dựa vào Bộ Công an để chống tham nhũng, mà thực chất là loại bỏ phe cánh và các cá nhân không ủng hộ ông. Do đó, ông Tô Lâm yêu cầu gì, thì được đáp ứng ngay lập tức.
Cho đến nay, quân số trực thuộc sự điều động của Bộ trưởng Công an lên tới hơn 7 triệu người, gấp hơn 10 lần biên chế chính thức của quân đội. Khi quân số tăng, thì chi phí cho Bộ Công an cũng tăng theo. Theo dự toán ngân sách năm 2024 của Chính phủ, ngân sách của Bộ này lên đến 113.000 tỷ đồng – tương đương 4,5 tỷ USD, bằng 16,5 lần ngân sách chi cho ngành Y tế.
Nhưng vốn là một kẻ đầy tham vọng quyền lực, sự ủng hộ đối với Tô Lâm của Tổng Trọng, đã vô tình chắp thêm nanh vuốt, và biến Tô Lâm trở thành một con hổ dữ, mà ông Trọng mất kiểm soát.
Rất may, Tổng Trọng vẫn còn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng. Vì thế, ông đã đảo ngược và làm được chủ tình thế cho đến hôm nay. Và đối với câu hỏi “Tổng Trọng và Tô Đại tướng, ai gieo gió và ai đã gặt bão”, có lẽ quý vị đã có câu trả lời./.
Trà My – Thoibao.de