Campuchia sẽ khởi công kênh đào Phù Nam techo, bất chấp quan ngại

Ngày 31/5, VOA Tiếng Việt cho hay, “Campuchia khởi công đào kênh Phù Nam Techo vào tháng 8; Việt Nam lo sợ?”

VOA dẫn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, cho biết, Thủ tướng Hun Manet của Campuchia, hôm 30/5 nói, nước ông sẽ khởi công dự án kênh đào Phù Nam Techo, trị giá 1,7 tỷ đô la vào tháng 8 tới.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin trong cùng ngày, và cho biết thêm, con kênh này dự kiến sẽ nối thủ đô Phnom Penh với Vịnh Thái Lan. Kế hoạch xây dựng kênh Phù Nam Techo này đã gây nhiều tranh cãi.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời ông Hun Manet, nói trong diễn văn rằng: “Chúng ta sẽ làm ở thời điểm hiện nay, chúng ta không thể đợi ai thêm chút nào nữa”.

Con kênh nhân tạo sắp được xây dựng, là một phần trong Sáng kiến “Vành đai Con đường”, đồ sộ của Trung Quốc, là đại kế hoạch về hạ tầng cơ sở, được thực hiện ở nhiều nước thuộc châu Á. Nhưng ông Hun Manet vẫn nhấn mạnh rằng, nó sẽ chỉ phục vụ cho Campuchia.

“Chúng ta sẽ làm nó ở trong lãnh thổ của Campuchia, vì người dân Campuchia, và vì lợi ích của Campuchia. Chúng ta sẽ có lễ động thổ vào tháng 8 năm nay”, theo lời ông Hun Manet.

Thủ tướng Hun Manet nói, kênh Phù Nam Techo sẽ được cấp vốn chủ yếu từ nguồn tiền của Campuchia, và Chính phủ của ông hiện đang bàn thảo với một công ty Trung Quốc, để kêu gọi đầu tư thêm.

VOA cũng cho hay, khi ông Hun Sen – cha của ông Hun Manet, còn lãnh đạo Campuchia, nước này đã nhận hàng tỷ đô la từ Trung Quốc, thông qua các khoản đầu tư hạ tầng cơ sở, và là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Bắc Kinh ở khu vực Đông Nam Á.

Theo VOA, 2 bài đăng trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng và Lowy Institute của Úc, cho biết, dự án kênh Phù Nam Techo, do Trung Quốc hậu thuẫn, đã gây ra những mối lo ngại cho đất nước láng giềng Việt Nam. Với nguy cơ tiềm ẩn, nếu xảy ra xung đột Việt – Trung, thì tàu chiến Trung Quốc có thể sử dụng con kênh này. Hơn nữa, nhờ vào công trình này, Campuchia có khả năng sẽ giảm phụ thuộc vào cảng biển Cái Mép của Việt Nam.

Hai bài viết nói trên cho biết, Việt Nam cũng quan ngại rằng, con kênh dài 180 kilomet này có nguy cơ tiềm tàng, làm giảm dòng chảy vào sông Mekong – một trong những con sông có mức đa dạng sinh học cao nhất thế giới.

Kênh Phù Nam Techo rộng 100 mét và sâu 5,4 mét, sẽ nối Phnom Penh với các cảng nước sâu của Campuchia, nằm bên Vịnh Thái Lan và đi ra Biển Đông.

Bài viết trên trang Lowy Institute cho biết thêm, Chính phủ Campuchia hy vọng, dự án đầy tham vọng này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, bằng cách cải thiện vận tải hàng hóa và du lịch sinh thái, kèm theo đó là tạo ra 5 triệu việc làm.

Như VOA đưa tin trước đây, lâu nay, giới lãnh đạo Campuchia vẫn bảo vệ dự án kênh đào này. Thủ tướng Hun Manet nhiều lần khẳng định, con kênh này chỉ gây tác động tối thiểu tới Việt Nam, và sẽ không có căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia. Cả Việt Nam và Mỹ đều kêu gọi, cần có thêm thông tin minh bạch về dự án.

Bên cạnh đó, BBC News Tiếng  Việt cho biết, theo tường thuật của Khmer Times vào ngày 20/5, ông Hun Sen đã tuyên bố: “Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến “Sáng kiến Vành đai Con đường” của Trung Quốc. Dự án 100% do Campuchia khởi xướng.”

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án này, và cũng là Công ty đầu tư vào kênh đào này, theo Khmer Times.

BBC cũng cho biết, Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào này, chỉ đề cập sẽ tiến hành theo cơ chế đối tác công – tư, không theo khuôn khổ khoản nợ từ đối tác phát triển nào.

BBC dẫn lời Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường, trả lời phỏng vấn hôm 28/5, cho rằng, việc đào kênh và sử dụng nước là nhu cầu chính đáng của Campuchia.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, để hạn chế thấp nhất các tác động môi trường, đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long, thì “Việt Nam và Campuchia cần có những trao đổi, cung cấp đầy đủ nhất các số liệu, để đánh giá một cách chính xác nhất, các tác động môi trường, nhằm xây dựng chính sách ứng phó kịp thời, phù hợp với Hiệp định Mekong năm 1995, và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”.

 

Thu Phương – Thoibao.de