Hậu quả của việc tăng cường an ninh chế độ là việc thể chế bị “công an hoá”

Ngày 5/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Đảng đối diện với những thách thức thế nào?” của tác giả Doãn An Nhiên.

Theo tác giả, thực tế chỉ ra, thể chế ngày càng có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, nhưng nghịch lý tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ động lực thị trường và tham nhũng tràn lan, đang đặt ra những vấn đề mới, phức tạp cho cải cách thể chế ở Việt Nam, trong đó, thể chế chính trị phải tương thích với kinh tế thị trường.

Tác giả nhấn mạnh, tăng cường an ninh chế độ, Đảng cho rằng, đó là giải pháp củng cố đảng – nhà nước “trong sạch, vững mạnh”, tuy nhiên, sự tác động đến tăng trưởng kinh tế thế nào là vấn đề thách thức to lớn.

Tác giả đề cập đến đánh giá của Quốc hội khóa 15, cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6.5% đến 7% trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, “là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn”.

Để kích thích tăng trưởng, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ phục hồi, nhưng hiệu ứng của chúng không được như mong muốn. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, đã phải tiếp tục gia hạn thêm, hay kích cầu du lịch cũng không tác động nhiều. Trong khi đó, lạm phát có xu hướng tăng, việc tăng lương công chức, hưu trí, tăng kinh phí an ninh quốc phòng, cũng góp phần gia tăng áp lực…

Tác giả nhắc đến việc, vào dịp nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, những tập đoàn khủng của Mỹ “hăng hái” đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng rồi phần lớn đã ra đi “thầm lặng”. Thay vì Việt Nam, thì Indonesia và Malaysia đã được lựa chọn.

Báo mạng Investor thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE) cảnh báo rằng, những tập đoàn toàn cầu lớn, gồm Intel, LG Chemical, AT&S, Samsung và SMC, đang bỏ qua Việt Nam để đầu tư vào những nước khác, hay đang xem xét không đầu tư thêm vào Việt Nam. Trong đó, khung pháp lý lỗi thời của Chính phủ là một trong những nguyên nhân khiến những tập đoàn khổng lồ toàn cầu từng đề nghị đầu tư lớn vào Việt Nam, đã bỏ qua, để đầu tư vào những nơi khác. Vì vậy, việc “giữ chân họ” là nhiệm vụ quan trọng.

Tác giả cho rằng, cách tiếp cận thể chế ngày càng quan trọng để cải cách thúc đẩy tăng trưởng. Để tăng trưởng bền vững, phòng chống tham nhũng là cần thiết cấp bách, nhưng việc tạo dựng khung khổ thể chế mang tính nguyên tắc cho thị trường hoạt động là cơ bản lâu dài.

Trong cuộc “đốt lò” do Tổng Trọng chỉ đạo những năm gần đây, hàng ngàn quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đã bị điều tra, liên quan đến nhiều vụ án tham nhũng. Trong đó, gây xáo trộn nhân sự lãnh đạo chóp bu là “chưa từng thấy”. Và, hiệu ứng phụ là các quan chức chưa “bị lộ” sợ thành “củi”, hoạt động kinh tế chậm lại. Thiết lập “lồng thể chế” để nhốt quyền lực theo quy luật vận hành trong bối cảnh thị trường, mới là giải pháp chính sách căn cơ. Đây thực sự là món nợ cải cách mà Đảng cam kết với toàn dân.

Tác giả dẫn nhà khoa học chính trị Yuen Yuen Ang, tại Đại học Michigan, Mỹ, đã chỉ ra một thực tế ở nền kinh tế và chế độ chính trị Trung Quốc, tương đồng với Việt Nam, rằng, trong thời kỳ “hoàng kim”, thì tăng trưởng bùng nổ nhưng đồng thời với tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng. Và, khi chiến dịch chống tham nhũng căng thẳng, thì không những làm sụt giảm tăng trưởng, mà còn gây ra rối loạn xã hội, suy yếu quản trị nhà nước, thậm chí là nguy cơ sụp đổ chế độ.

Tác giả nêu vấn đề: Qua thời kỳ hoàng kim, Trung Quốc bước vào thời kỳ thoái trào, Việt Nam học tập thế nào? Chiến lược an ninh chế độ có nguồn gốc Trung Quốc, đang chứng tỏ việc vận dụng trong điều kiện đặc thù Việt Nam. Họ là cường quốc ta là nước nhỏ, cũng là thách thức không nhỏ khi hậu quả nhãn tiền là chế độ đã bị “công an hoá”, sự quá thái chuyên chế sẽ huỷ hoại sự phát triển đất nước và dân tộc.

 

Quang Minh – thoibao.de