Tổng Bí thư Tô Lâm liên tiếp gặp các cựu lãnh đạo để giải quyết vấn đề gì cho Đại hội 14? 

Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm bị ép phải nhường lại ghế Chủ tịch nước cho Đại tướng Lương Cường, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới quyền lực của ông Tô Lâm. Theo giới quan sát, với sự vượt lên của ông Lương Cường từ vị trí số 5 sau 4 “Tứ trụ”. Chủ tịch nước Lương Cường đã nhanh chóng vươn lên vị trí số 2, và tỏ ra ngang ngửa với ông Tô Lâm về mặt quyền lực.

Dù rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn là người đứng đầu trong Đảng nhưng trên thực tế đã cho thấy, đã và đang xuất hiện những hạn chế đáng kể, trong công cuộc cải cách đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.

Ngày 6/11, Tổng Bí thư Tô Lâm tổ chức gặp mặt với các cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nghỉ hưu, để lấy ý kiến cho các vấn đề liên quan đến nhân sự, cũng như văn kiện của Đại hội Đảng 14 sắp tới. Đây là lần thứ 2, ông Tô Lâm chủ trì cuộc gặp với các cựu lãnh đạo. Lần trước là vào ngày 15/8, 2 tuần sau khi ông được bầu làm Tổng Bí thư.

Tham dự buổi gặp ngoài Tổng Bí thư Tô Lâm còn có Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. Thủ tướng Phạm Minh Chính vắng mặt với lý do đang công du Trung Quốc.

Tham dự hội nghị, có đầy đủ các lãnh đạo tiền nhiệm, như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng… Đáng chú ý, thành phần các cựu lãnh đạo đã bị mất chức trong khóa 13, trước khi ông Tô Lâm lên nắm chức Tổng Bí thư đã không có mặt.

Theo giới thạo tin, việc ông Tô Lâm thường xuyên gặp các cựu lãnh đạo Đảng để xin ý kiến. Ngoài lý do Tổng Bí thư Tô Lâm muốn chứng minh bản thân vẫn kiên định với con đường Chủ nghĩa Xã hội, như người tiền nhiệm cố Tổng Bí thư Trọng. Nhưng lý do chính là ông Tô Lâm đang cố gắng vận động, để giành sự ủng hộ cho một xuất “trường hợp đặc biệt” tại Đại hội Đảng 14.

Theo giới quan sát, trong thời gian gần đây, truyền thông nhà nước khá quan tâm đến chuyện của gia đình cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là những biểu hiện được cho là đã từng diễn ra vào năm 2015, trước Đại hội Đảng 12, trong chiến dịch hạ bệ ông Ba Dũng của cố Tổng Bí thư Trọng.

Trên mạng xã hội, trong các diễn đàn, lực lượng dư luận viên đã và đang lan truyền các tin tức “bất lợi” cho ông Nguyễn Tấn Dũng và gia đình, như việc vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Nguyễn Bảo Hoàng – con gái và con rể của ông Ba Dũng, nằm trong số những thành viên của Hội đồng Sáng lập trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Đây là lý do, trước chuyến công du của ông Tô Lâm, câu chuyện đại học Fulbright Việt Nam bị các phe đối địch với ông Tô Lâm, và cả những phe không muốn Việt Nam lại gần Mỹ, đã thổi bùng lên.

Hay câu chuyện Nguyễn Bảo Hoàng – con rể cựu Thủ tướng Ba Dũng, sẽ đầu tư vào đội túc cầu mới ở Los Angeles, với tư cách là đối tác nắm giữ cổ phần đa số. Kể cả các câu chuyện lùm xùm về Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị – con trai cả của ông Ba Dũng, cũng bị xới lại.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm thường xuyên gặp gỡ các cựu lãnh đạo, được cho là nằm trong tính toán, để giải quyết vấn đề làm sao có thể nhận được sự ủng hộ từ các ủy viên Trung ương, nằm trong sự kiểm soát của các cựu lãnh đạo, để có thể lấy đủ phiếu bầu trong Đảng, ủng hộ ông Tô Lâm là “trường hợp đặc biệt” tại Đại hội 14. Dẫu rằng, ông Tô Lâm đang trong vai trò Tổng Bí thư, theo thông lệ đó là vấn đề đương nhiên.

Điều này cho thấy, ông Tô Lâm đã và đang cảm nhận được những cơn “sóng ngầm”, từ sự phản ứng của các cá nhân, và phe cánh chống đối trong chính trường.

 

Trà My – Thoibao.de