Ngày 10/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của Giáo sư Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ và trợ giảng tại Đại học Georgetown. Bài viết với tựa đề “Tô Lâm toan tính giành trọn nhiệm kỳ trên đỉnh cao quyền lực”.
Tác giả cho rằng, đối với ông Tô Lâm, ghế Chủ tịch nước chỉ là bước đệm, ưu tiên hàng đầu của ông nằm ở việc được bầu ở Đại hội 14, vào tháng 1/2026. Vì vậy, việc từ bỏ chức Chủ tịch nước là một bước đi hợp lý.
Dù có là Tổng Bí thư, nhưng Tô Lâm vẫn cần sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương, và ông cũng phải đối đầu với những trung tâm quyền lực khác.
Theo tác giả, ông Tô Lâm đã tranh thủ để lấp đầy các chỗ trống trong Bộ Chính trị, trong đó có Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.
Ông đang chuẩn bị cất nhắc thêm 2 người nữa vào Bộ Chính trị, là Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang.
Ông Nghị được cho là sẽ được thăng chức Phó Thủ tướng, còn ông Quang là ứng viên cho ghế Thủ tướng, tại Đại hội 14.
Tác giả đánh giá, việc bổ nhiệm 2 ông Nghị và Quang, rõ ràng có lợi về mặt chính trị cho Tô Lâm, vì có thể làm yên lòng phe miền Nam. Ngoài ra, động thái này còn có lý do chính đáng về mặt kinh tế, bởi Bộ Chính trị hiện thời đang thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Ông Tô Lâm hiểu rõ tính chính danh của đảng cầm quyền, phụ thuộc vào sự hiệu quả trong điều hành đất nước.
Tác giả cho biết, Tô Lâm còn đưa những người thân tín, đặc biệt là đồng hương Hưng Yên của ông, vào các vị trí trọng yếu trong Đảng, như việc bổ nhiệm Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đây là một ví trí hậu trường đầy quyền lực, trong vấn đề nhân sự và nghị trình, do đó, Tô Lâm có được tai mắt ở ngay tại trung tâm đầu não của Trung ương Đảng.
Ông cũng có những động thái nhằm vô hiệu hóa sự chống đối, qua việc đưa Thiếu tướng Công an Vũ Hồng Văn sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Người đứng đầu Ủy ban này là Trần Cẩm Tú, và cũng là người duy nhất trong Bộ Chính trị có khả năng tạo ra rắc rối cho ông Tô Lâm.
Tác giả bình luận, như một lời nhắc nhở rằng, Tô Lâm vẫn chưa nắm toàn bộ quyền lực, khi Bộ Chính trị đã bầu Trần Cẩm Tú làm Thường trực Ban Bí thư, thay vì Nguyễn Duy Ngọc – ứng viên mà ông Tô Lâm ủng hộ.
Tác giả nhận định, trong khi ở các quốc gia Đông Nam Á khác, quân đội có xu hướng chi phối chính trị, thì ở Việt Nam, quyền lực nằm ở bộ máy cảnh sát do nỗi lo cách mạng màu.
Nhiều người kỳ vọng, quân đội đóng vai trò là cơ chế kiểm soát đối với Bộ Công an, đó cũng là lý do, việc ông Lương Cường được bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 21/10 được coi là rất quan trọng.
Vẫn theo tác giả, ông Tô Lâm đang cố gắng xây dựng quan hệ với bên quân đội, và cố gắng tạo dấu ấn về mặt nhân sự trong quân đội, qua việc đưa ông Trịnh văn Quyết – Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, vào Ban bí thư.
Ba sĩ quan cao cấp khác của quân đội, quê Hưng Yên, cũng được thăng chức, gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái – Tư lệnh Quân khu 1, giáp Trung Quốc.
Tác giả bình luận, việc đưa người của Tô Lâm vào các vị trí lãnh đạo trong quân đội, là rất quan trọng, bởi vì, quân đội là khối lớn nhất trong Trung ương Đảng, chiếm từ 11% đến 13% tổng số ủy viên.
Tô Lâm hiểu rằng, việc đưa đồng minh vào các vị trí chủ chốt, sẽ khiến bản thân bất khả chiến bại.
Thông qua Lương Tam Quang, ông Tô Lâm có thể tiếp tục điều tra các đối thủ. Còn các đồng minh khác thì phụ trách lựa chọn nhân sự, và soạn thảo các văn kiện quan trọng của Đảng.
Tác giả tổng kết, bằng cách nhường chức Chủ tịch nước, đặc biệt là cho một người bên quân đội, Tô Lâm đã vô hiệu hóa một số chỉ trích nhằm vào mình, nhưng đồng thời không khiến quyền lực bị giảm sút.
Xuân Hưng – thoibao.de