Thặng dư thương mại cao với Mỹ, Việt Nam đối mặt nguy cơ bị áp thuế từ chính quyền Trump

Ngày 7/12, VOA Tiếng Việt có đưa tin, “Thặng dư cao với Mỹ, Việt Nam có thể bị chính quyền Trump áp thuế”.

Theo đó, các giám đốc và phân tích gia trong ngành cho biết, Việt Nam dễ trở thành mục tiêu thuế quan tiếp theo của chính quyền Trump khi dữ liệu cho thấy thặng dư thương mại của nước này với Mỹ tăng lên.

VOA cho hay, Việt Nam là nơi các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ như Apple, Google, Nike và Intel có nhiều hoạt động. Nước này có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 4, chỉ sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico.
Dữ liệu thương mại của Mỹ được công bố hôm 5/12, cho thấy, thâm hụt của họ với Việt Nam đạt 102 tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm nay, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023.

VOA dẫn lời bà Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich có trụ sở tại châu Á, cho biết: “Đối với ông Trump, thước đo chính là thâm hụt thương mại, và con số của Việt Nam là không tốt”.

“Việt Nam là một ứng cử viên lý tưởng để hành động sớm vì họ không thể trả đũa dễ dàng” .

Theo VOA, Tổng thống đắc cử Donald Trump, vốn sẽ nhậm chức vào tháng 1, đe dọa đánh thuế lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong chiến dịch tranh cử của mình.

Con trai ông, Eric, một cố vấn hàng đầu, đã nêu tên Việt Nam trong số các nước “lợi dụng” Mỹ, theo một video được chiếu vào tuần trước tại một hội nghị kinh doanh ở Hà Nội do các phòng thương mại Mỹ tổ chức.

Tại sự kiện này, một số doanh nhân và đại diện Hiệp hội Thương mại bày tỏ lo ngại về khả năng áp thuế đối với Việt Nam.

VOA cũng dẫn lời ông Hong Sun, người đứng đầu phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị, “Thuế quan mới là một trong những mối quan tâm lớn nhất, đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam”. Được biết, Samsung Electronics là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh và thiết bị điện tử lớn từ Việt Nam sang Mỹ.
VOA cũng cho hay, các quan chức Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi Washington duy trì dòng chảy giao thương thông suốt.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy Việt Nam có thể phải đối mặt với thuế quan của Mỹ, ông Trump đã chọn Peter Navarro làm cố vấn cấp cao cho ông về thương mại và sản xuất.

Ông Navarro cho biết thuế quan áp lên Việt Nam, sẽ rất có tác dụng trong cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, như đã đề cập trong Dự án 2025, vốn được nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington coi là kim chỉ nam cho chính quyền mới của ông Trump.
VOA dẫn lời ông Nguyễn Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết:

“Navarro là một chuyên gia nổi tiếng dưới thời chính quyền Trump về việc tăng quy mô của ngành sản xuất Mỹ, áp đặt thuế quan cao và đưa chuỗi cung ứng toàn cầu về Mỹ”.

Vẫn theo VOA, Việt Nam được hưởng lợi từ các rào cản thương mại mà ông Trump áp đặt lên Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khiến các hãng xưởng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Với gần 1/3 xuất khẩu của Việt Nam hiện hướng tới Mỹ, nước này sẽ cần cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và linh kiện, để xua tan những lo ngại về việc Việt Nam chỉ được sử dụng làm địa điểm lắp ráp các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, ông Hùng nói.
VOA cho biết, các quan chức nhận xét, Việt Nam có thể làm giảm phần nào thặng dư thương mại lớn với Mỹ, bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thuốc men và máy bay…
Tuy nhiên, không rõ liệu chính quyền Việt Nam có ủng hộ các biện pháp này hay không, và giá trị chúng sẽ lớn đến mức nào.

Bà Elms nhận định, “Tôi không nghĩ Việt Nam đang trong hoàn cảnh có mua hàng của Mỹ nhanh và đủ” để giảm thặng dư đáng kể.

 

Thu Phương – thoibao.de