Ngày 7/12, BBC Tiếng Việt có bài: “Tinh gọn bộ máy: quyết tâm rất lớn, thực hành tới đâu?”.
Theo đó, BBC cho hay, thông điệp của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam rất quyết liệt, tạo ấn tượng về một cuộc cách mạng sục sôi.
“Vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm!”, “Càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”, “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, “vừa chạy vừa xếp hàng”, “cả hàng phải chạy, không chờ đợi ai”. Đó là những diễn ngôn mà ông Tô Lâm lặp đi lặp lại, được hưởng ứng và khuếch đại bởi các quan chức trung ương và địa phương, các cựu lãnh đạo và hệ thống báo chí nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo BBC, về bản chất, việc tinh gọn này là nhằm cắt giảm gánh nặng về ngân sách vì theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện ngân sách chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ các hoạt động.
BBC dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, nhận định rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm có chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng về tinh gọn, cải cách thể chế với “quy mô chưa từng có trong lịch sử”.
Tuy nhiên, từ quyết tâm chính trị đến thực thi luôn là một khoảng cách lớn. Trong đó, vấn đề thực thi từ trước đến nay luôn được coi là điểm nghẽn, là trở ngại lớn khiến cho một chính sách dù có tốt cũng không đạt được hiệu quả.
BBC cũng cho hay, trong suốt 7 năm ông Nguyễn Phú Trọng cầm quyền, vấn đề tinh gọn đã không được thực hiện một cách triệt để. Thậm chí, chính ông Trọng là người đã cho tái lập các ban đảng vốn đã bị giải thể – điều được cho là nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị của ông.
Do đó, việc tân lãnh đạo Tô Lâm quyết tâm tinh gọn, tái cơ cấu bộ máy chính trị cho thấy, đây là một bước đổi mới rõ nét so với ông Trọng, và tạo nên dấu ấn riêng của mình.
Như vậy, thực trạng bộ máy cồng kềnh với đội ngũ cán bộ làm việc không hiệu quả đã tồn tại nhiều năm qua, và vấn đề tinh gọn đã được đặt ra, nhưng chưa bao giờ được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả. Trở ngại trước hết và lớn nhất nằm ở chính trong thể chế. Một rào cản quan trọng nữa là việc cắt giảm, sáp nhập, giải thể các cơ quan sẽ đụng đến lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức nên sẽ gặp phải sự chống đối.
Giáo sư Thayer nhận xét:
“Điều quan trọng là có được sự lãnh đạo thống nhất ở tất cả các cấp, những người hiểu rõ mục tiêu của “cuộc cách mạng tinh gọn” và sẵn sàng thực hiện trong những tháng, những năm tới.”
“Tuy nhiên, sự xung đột lợi ích, sự chống đối là điều không thể tránh khỏi. Một số cán bộ, đảng viên có thể cố tình đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm hoặc trì trệ, bàn lùi. Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải đưa ra các gói trợ cấp thôi việc cho một số trường hợp, đồng thời cần phải hành động nhanh chóng để loại bỏ những cán bộ bất hợp tác”.
BBC cho biết, tại hội nghị về tinh gọn ngày 1/12, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, báo cáo tổng kết các phương án tinh gọn bộ máy sẽ được trình Bộ Chính trị trước ngày 28/2/2025, để trình Hội nghị Trung ương Đảng, dự kiến trung tuần tháng 3/2025, xem xét, thông qua.
Theo BBC, vấn đề của việc tinh gọn không chỉ đơn giản nằm ở chuyện sáp nhập, giải thể một số ban, bộ, ngành hay tinh gọn biên chế, mà còn ở việc chọn lựa một mô hình nhà nước phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chiến dịch tinh gọn còn cần phải bắt đầu bằng việc tự định nghĩa lại vai trò của nhà nước trong cuộc sống xã hội. BBC dẫn phân tích của luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu trên mục Góc nhìn của báo VnExpress, cho rằng, nếu vẫn tin rằng việc gì nhà nước quản lý vẫn hơn, thì sẽ khó có một nhà nước tinh gọn.
Ông Thayer cũng cho rằng, hiện Việt Nam thiếu kinh nghiệm quản lý, và sự tích lũy về mặt thể chế, để có thể triển khai một dự án lớn như vậy trong một thời gian ngắn.
Minh Vũ – thoibao.de