Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=zCTPl-PAhlc
Ở đời, nên biết mình là ai. Đã là cừu thì nên tránh xa sói! Thủ đoạn tài chính của Trung Quốc.
Mấy ngày qua, mà nói đúng là suốt mấy năm qua, cứ mỗi lần nhìn thấy hình ảnh cái khối bê tông khổng lồ, xấu xí dài 13 cây số nằm chình ình giữa thủ đô, tôi lại nổi giận. Nghĩ lại việc mấy năm trước, khi công luận cùng xúm vào căn ngăn chính quyền dừng Luật đặc khu, tôi lại thấy việc ấy là vô cùng cần thiết.
Việc dùng tài chính để nô dịch một quốc gia khác, ấy là quốc sách của Trung Quốc. Dự án 18.000 tỉ đồng này kéo dài 10 năm, vô cùng đắt đỏ, chưa vận hành gì được nhưng tiền lãi một năm có bạn ước tính chừng mấy trăm triệu đô la, tất cả đều nằm trong âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc.
Những năm qua, Trung Quốc nổi lên như một chủ nợ lớn nhất thế giới. Với các khoản cho vay quốc tế vượt hơn 5% GDP toàn cầu, vượt mặt luôn các tổ chức cho vay truyền thống như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tất cả các quốc gia chủ nợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Đây là quốc sách, là phương châm thống trị thế giới của Trung Cộng, được gọi là ngoại giao bẫy nợ. Đây là một số ví dụ:
- Vụ Sri Lanka chuyển nhượng Cảng Hambantota, cùng với hơn 6.000 hec-ta đất xung quanh, cho Bắc Kinh theo hợp đồng thuê 99 năm. Đây là một cảng có vị trí chiến lược nhất của khu vực Ấn Độ Dương, chính vì vậy mà vụ này của Sri Lanka được báo chí quốc tế ví von như một nông dân phải mang con gái yêu quý của mình để gán cho chủ nợ quyền lực.
- Năm 2011, Trung Quốc đã xoá nợ cho quốc gia Trung Á Tajikistan để lấy 1.158 km vuông dãy núi Pamir. Đây là một dãy núi có vị trí quan trọng. Ngoài ra nước này còn phải cấp cho các công ty Trung Quốc quyền khai thác vàng, bạc và các loại quặng khoáng sản khác. Tận dụng quan chức tham nhũng ở nước này, Trung Quốc cũng đã củng cố được vị trí quân sự của mình ở khu vực.
- Pakistan, đồng minh chiến lược của Trung Quốc cũng là con mồi ngon. Chính phủ nước này đã phải trao Trung Quốc điều hành cảng Gwadar một cách độc quyền, cùng với việc miễn thuế trong bốn thập kỷ tới. Trung Quốc sẽ bỏ túi 91% doanh thu của cảng. Trung Quốc cũng tận dụng cảng này để củng cố cho hải quân. Từ xưa đến nay, thử hỏi có sự hợp tác nào với Trung Quốc mà có lợi chưa?
- Ví dụ thì còn nhiều nhưng một bài viết trên FB thì không thể quá dài. Ở đây tôi muốn nêu nạn nhân mới nhất chính là ông em Lào thân thương của chúng ta. Lào gần đây cho phép một công ty Trung Quốc kiểm soát lưới điện quốc gia của mình, bao gồm cả việc xuất khẩu điện sang các nước láng giềng cho thời gian 25 năm. Năng lượng là huyết mạch của cơ thể quốc gia mà trao cho ông anh quản lý hộ thì còn gì mà nói nữa?
Đấy chỉ là 4 nạn nhân điển hình trong 100 hợp đồng cho vay với 24 quốc gia của chủ nợ Trung Quốc.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là nhiều khoản vay của Trung Quốc đã không được tiết lộ công khai. Mọi hợp đồng kể từ năm 2014 đều kết hợp một điều khoản bảo mật buộc nước đi vay phải giữ bí mật các điều khoản hoặc thậm chí phải giữ bí mật cả khoản vay. Đây chính là cách chủ nợ giấu đi những thủ đoạn của mình. Tôi tự hỏi có những điều khoản nào bị ẩn đi trong việc cho Việt Nam vay để làm dự án tầu Cát Linh – Hà Đông không? Và nếu có thì điều này có thể lý giải được sự trì trệ, sự đội vốn khổng lồ cho một công trình vừa xấu, vừa tồi tàn như vậy không?
Theo một ông bạn làm phóng viên NY Times của tôi cho biết thì Trung Quốc có một điều khoản rất kì quái, là không cho bên đi vay được tái cơ cấu đa phương, tức là không được mời một bên thứ ba vào xử lý nợ thay và điều quan trọng là lãi xuất của Trung Quốc thường cao hơn rất nhiều so với các chủ nợ khác. Đây là cách bắt con nợ phải ngậm đắng nuốt cay làm theo thoả thuận, lãi mẹ đẻ lãi con và cứ phải mang “con gái” của mình ra gán nợ: cảng, vị trí đắc địa, quyền quản lý năng lượng hay một ngành công nghiệp nào đấy.
Tôi thực sự không biết cái chủ trương về đặc khu ở Việt Nam đã được dừng lại hay được tiến hành một cách bí mật.
Hãy nhớ rằng về đầu óc mưu mẹo, về tầm nhìn chiến lược dài lâu thì người Việt còn chạy dài so với các lãnh đạo Trung Quốc.
Còn tất nhiên về thủ đoạn thì Trung Quốc luôn là bậc thầy của thế giới.
Hãy biết mình là ai, mình đang chơi với ai, hãy chọn bạn mà chơi. Hãy lấy cái dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông như một bài học đau đớn để mà trưởng thành lên.
Tôi thì thấy cái dự án ấy là một bài học rất đau, rất nhục nhã và không biết bao giờ mới kết thúc. Liệu tôi nhìn vấn đề cực đoan quá chăng?
P.S. Vì bị cậu con rể Tầu khoá tài khoản nhiều nên ngôn ngữ đành phải hiền đi vậy. Quả là chúng ta không bao giờ có tự do thực sự.
Đoàn Bảo Châu
Nguồn: https://baotiengdan.com/2021/06/13/du-an-cat-linh-ha-dong-la-mot-bai-hoc-rat-dau-rat-nhuc-nha/