Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico. Bà cũng là nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet Air nhiều tai tiếng vì “chuyên” hoãn chuyến bay.
Nói về bà này, bài báo ngày 08/03/2022 trên tuoitre.vn viết: “Trong nhiều năm, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên xuất hiện trong các bảng xếp hạng những tỷ phú hàng đầu thế giới hay danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới…”
Tập đoàn Sovico nơi bà Thảo giữ chức vụ Chủ tịch là Công ty mẹ của Vietjet Air, chuyên đầu tư vào các dự án bất động sản và năng lượng. Trong khi đó, hãng hàng không mà bà làm Tổng Giám đốc cũng được dư luận đặt cho cái tên đầy châm biếm “bikini airlines” – “hãng hàng không bikini” sau khi bộ lịch của các tiếp viên hàng không của hãng mặc áo tắm hai mảnh được tung ra trong một chiến dịch quảng cáo.
Vào ngày 31/10/2021, một biên bản ghi nhớ được ký kết giữa trường Cao đẳng Linacre, thuộc Đại học Oxford danh tiếng của Anh quốc và nữ tỷ phú người Việt Nguyễn Thị Phương Thảo. Theo đó, bà Thảo cam kết tặng 155 triệu bảng Anh (tương đương 171,4 triệu USD) cho trường dưới khoản tiền tài trợ. Theo như trường Linacre tuyên bố khoản tài trợ sẽ được sử dụng như kinh phí trong việc xây dựng một trung tâm đào tạo mới và tài trợ các khoản học bổng sau đại học.
Đi kèm với điều kiện này là trường Linacre sẽ phải đổi tên thành “Thao College” (trường Cao đẳng Thảo) để ghi nhận sự tài trợ của bà.
Tuy nhiên, lộ trình thực hiện cam kết từ nữ tỷ phú Việt đang có nguy cơ phá sản khi Nguyễn Thị Phương Thảo không thực hiện được khoản đóng góp đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh (tương đương 55,3 triệu USD). Từ các nguồn tin am hiểu thỏa thuận này, tờ Telegraph, nhật báo quốc gia của Anh, trong bài viết ngày 17/12/2022, tiết lộ thoả thuận xem như “đi vào ngõ cụt” khi Chính phủ Việt Nam đã tạm thời chặn các dòng tiền chuyển ra nước ngoài.
Hơn nữa, việc đổi tên trường Linacre thành “Thao College” cùng với khoản tài trợ cũng phải cần được Hội đồng Cơ mật, một cơ quan cố vấn chính thức cho chủ quyền của Vương quốc Anh thông qua. Thành viên của cơ quan này chủ yếu bao gồm các chính trị gia cao cấp là thành viên hiện tại hoặc trước đây của Hạ viện hoặc Thượng viện của Quốc hội Anh. Do đó, đã có các mối quan ngại được nêu ra tại Hạ viện Anh đối với biên bản ghi nhớ này. Dẫn đến việc, Chính phủ Anh phải bắt tay vào cuộc điều tra, thẩm định khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh liệu có phù hợp với hướng dẫn và luật pháp của chính phủ Vương quốc Anh hay không.
Theo bài báo ngày 17/12/2022 của Telegraph cho biết, VietJet Air cũng đang bị vướng vào vụ kiện với một khoản tiền tương đương 155 triệu Bảng Anh cùng với tỷ lệ tiền lãi lũy kế ít nhất 31.000 bảng Anh mỗi ngày. Hồ sơ do đơn vị FW Aviation (Holdings) 1 Limited nộp tại Tòa Thượng thẩm của nước này với lập luận cho rằng VietJet đã thuê 4 máy bay nhưng bị truy thu sau, khi không thực hiện một khoản thanh toán tiền thuê vào năm 2021.
VietJet đã nộp đơn bào chữa vào đầu tháng 12/2022, với việc thừa nhận rằng, họ đã mắc vào tình trạng nợ tiền thuê, nhưng đổ lỗi là do “các vấn đề về dòng tiền”, vì đại dịch và lệnh phong tỏa toàn quốc ở Việt Nam, buộc hãng bay phải tạm dừng hoạt động, không có nguồn thu. Tuy nhiên, hãng máy bay Vietjet Air lại phủ nhận rằng, họ đã vi phạm hợp đồng cho thuê và từ chối nợ “bất kỳ khoản bồi thường nào được yêu cầu”.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)